Cơn co chuyển dạ sẽ kéo dài bao lâu là điều mà các mẹ bầu gần đến ngày sinh luôn thắc mắc và lo lắng. Dù sợ nhưng có cơn chuyển dạ đồng nghĩa với việc cơ thể đang chuẩn bị rất tốt cho quá trình sinh nở sắp tới. Để hiểu hơn về quá trình chuyển dạ và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chào đón con yêu, mẹ tìm hiểu những kiến thức cơ bản sau đây nhé.
Khi cổ tử cung mở 0-6 cm
Đây là giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ. Các cơn co xuất hiện có nhiệm vụ đẩy em bé xuống khung chậu và giúp cổ tử cung mở nhiều hơn.
Vào giai đoạn này, cơn co kéo dài khoảng 30-90 giây, càng về sau càng xuất hiện theo chu kỳ định sẵn. Lúc đầu có thể cứ 30 phút xuất hiện một cơn co, nhưng dần dần khoảng cách giữa các cơn co rút ngắn chỉ còn 5 phút một cơn co. Giai đoạn này kéo dài bao lâu tùy từng trường hợp của mẹ bầu, tuy nhiên hầu hết đối với mẹ sinh con lần đầu, để cổ tử cung mở 0-6 cm cần khoảng 6-12 tiếng.
Hầu như những cơn co trong giai đoạn này khá nhẹ, có thể không đau đớn mà chỉ gây khó chịu.
Mẹo giúp mẹ vượt qua giai đoạn đầu này
– Nếu chưa rỉ ối/ vỡ ối hoặc ra máu bất thường có thể ăn nhẹ và vệ sinh cơ thể sạch sẽ rồi mới nhập viện.
– Tránh chạy nhanh, leo cầu thang, làm việc nặng với hy vọng sẽ đẻ nhanh hơn. Việc này chỉ gây hại đến thai nhi và quá trình sinh nở của mẹ.
– Uống nhiều nước, ăn nhẹ nếu đói. Nếu không đói, cũng nên ăn nhẹ để tránh bị tụt huyết áp.
– Nếu cơn co xuất hiện nhẹ vào ban đêm, cố gắng ngủ trở lại, hoặc tắm dưới vòi hoa sen ấm.
– Cố gắng thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách, nói chuyện với người thân.
Khi cổ tử cung mở 6-10 cm
Đây là giai đoạn chuyển dạ thực sự, khi các cơn co xuất hiện gần nhau hơn và cổ tử cung mở rộng đáng kể. Lúc này các cơn co xuất hiện khoảng 3-5 phút một lần và mỗi cơn co kéo dài khoảng 60 giây. Khi cổ tử cung gần mở hết, cứ hai phút cơn co xuất hiện một lần và kéo dài hơn, khoảng 90 giây.
Giai đoạn chuyển dạ này ngắn hơn giai đoạn đầu tiên, chỉ kéo dài từ 5-6 tiếng. Sản phụ sinh con ra sẽ có thời gian chuyển dạ ngắn hơn và dễ dàng hơn.
Giai đoạn này các cơn co xuất hiện với cường độ mạnh nên gây đau đớn và tạo áp lực lớn xuống vùng chậu, lưng và đùi.
Mẹo giúp mẹ vượt qua giai đoạn cuối của chuyển dạ này
– Có sự trợ giúp của các bác sỹ, hộ sinh xung quanh.
– Chọn tư thế đứng thẳng, chân mở để tạo điều kiện cho em bé chui ra ngoài.
– Giữa các cơn co, thở nhẹ và thả lỏng các cơ.
– Khi cơn co xuất hiện, hít sâu và từ từ. Mẹo này giúp mẹ có đủ oxy và năng lượng.
– Uống nhiều nước.
Giai đoạn chuyển tiếp
Giai đoạn chuyển tiếp chính là khi cổ tử cung đã mở hoàn toàn. Cơn co xuất hiện 1 phút 1 lần và kéo dài khoảng 90-120 giây. Giai đoạn này chỉ kéo dài vài phút, thường không đến một tiếng nhưng là giai đoạn khó khăn nhất trong sinh nở.
Cùng với những cơn co, mẹ sẽ cảm thấy có áp lực đè nặng lên khung chậu và rất muốn rặn. Do tử cung bắt đầu đẩy em bé xuống để chui qua cổ tử cung. Cảm giác lúc này như khi bạn đi đại tiện vậy.
Lúc này mẹ cần lắng nghe cơ thể mình và nghe theo chỉ dẫn của bác sỹ, hộ sinh. Nếu khát vẫn nên uống nước.
Giai đoạn rặn đẻ
Giai đoạn rặn đẻ, cơn co xuất hiện đỉnh điểm và mẹ rất muốn rặn. Để rặn đẻ thành công, nên đứng thẳng, hai chân mở. Rặn hơi dài khi muốn rặn. Đầu em bé có thể chui ra sau đó lại thụt vào, mẹ cần làm theo hiệu lệnh của bác sỹ để rặn đẻ thành công.
Giai đoạn cuối cùng
Giai đoạn cuối cùng mẹ cần rặn ra nhau thai. Khi này con yêu đã chào đời nhưng mẹ vẫn có những cơn co để tống dịch, máu và nhau thai còn sót lại trong tử cung. Giai đoạn này kéo dài từ 5-30 phút, thậm chí 1 tiếng.
Việt Hà
Nguồn: BB
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.