Những biến cố trong đời báo trước nguy cơ ly hôn

Dưới đây là những sự kiện trong đời người được xem như “hiểm họa” với hôn nhân:

1. Bệnh tật        

Khi một trong hai người mắc phải bệnh nan y, động lực của cuộc hôn nhân sẽ bị thay đổi. Bệnh tật không chỉ gây ra đau đớn, nợ nần mà còn khiến cho bệnh nhân mất tự tin vào bản thân. Điều đó có nghĩa là một trong hai người sẽ không cách nào làm tròn bổn phận của mình trong hôn nhân được nữa và toàn bộ gánh nặng sẽ rơi lên vai người còn lại. Đứng trước biến cố này, vẫn có những cặp vợ chồng sẽ trở nên gắn bó và thấu hiểu nhau hơn nhưng đó không phải đa số.

Nghiên cứu gần đây của Đại học bang Lowa đã xác nhận rằng, tỷ lệ ly hôn sẽ gia tăng nếu vợ/chồng mắc bệnh nan y. Tỷ lệ này sẽ tăng cao hơn chút nữa nếu người mắc bệnh là vợ. Cụ thể, nếu vợ mắc phải những bệnh như ung thư, tim mạch, phổi,… thì tỷ lệ ly hôn sẽ nhích lên thêm 6%. Điều bất ngờ là, nếu người mắc các bệnh trên là chồng thì tỷ lệ ly hôn không hề suy suyển.

Chuyên gia tư vấn hôn nhân – Tiến sĩ Elizabeth Ochoa hiện đang làm việc tại Trung tâm Y tế Beth Israel (New York) nói: “Người ta vẫn bảo rằng ‘đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm’. Vì thế, không có gì bất ngờ khi các anh chàng lại thấy lúng túng trước công việc chăm sóc – công việc bình thường vốn được xem như bổn phận của phụ nữ. Với những gia đình mà người chồng vốn dĩ luôn phải chăm lo một phần việc nội trợ thì tình hình sẽ sáng sủa hơn”.  

2. Thay đổi công việc

Một nghiên cứu vào năm 2011 của Đại học bang Ohio đã phát hiện ra rằng, đàn ông thất nghiệp sẽ dễ bỏ vợ và cũng dễ bị vợ bỏ. Chắc chắn là biến cố về công việc sẽ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính trong gia đình. Khi hai người mâu thuẫn với nhau về việc phân chia trách nhiệm và bị nỗi lo cơm áo gạo tiền chi phối, tình cảm vợ chồng không thể không bị mai một.

Trên thực tế, không phải chỉ biến cố thất nghiệp mới gây ra sóng gió trong gia đình. Mọi thay đổi trong thu nhập, lịch trình sinh hoạt mỗi ngày (kể cả có công việc mới) đều sẽ ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Chỉ cần bạn ưu tiên những thứ khác trong cuộc sống hơn tình cảm vợ chồng, bạn đời của bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy bị bỏ rơi và trở nên giận dữ.

3. Có con

Hẳn bạn đã từng nghe đến những vụ ly hôn bắt nguồn từ mâu thuẫn về vấn đề có con hay không. Tuy nhiên ngay cả khi hai người đều đồng ý sinh con, những khác biệt tư tưởng trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ cũng là nguy cơ lớn với mối quan hệ vợ chồng. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tâm lý học Gia đình Mỹ, trong vòng ba năm đầu tiên sau khi sinh em bé, có tới 67% các cặp vợ chồng bị suy giảm cảm xúc với hôn nhân của mình.

Có em bé là một trong những sự kiện gây căng thẳng hàng đầu đối với mối quan hệ vợ chồng. Nếu vợ chồng bạn có thể trò chuyện, chia sẻ cởi mở với nhau thì việc phân chia các nhiệm vụ trong vai trò mới có thể diễn ra trơn tru. Tuy nhiên nếu một trong hai người gặp vấn đề tâm lý (chẳng hạn như bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ) thì việc điều chỉnh chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Nghiên cứu nêu trên còn cho thấy, các cặp vợ chồng sinh con đầu lòng là con gái thì cũng phải đối mặt với nguy cơ ly hôn cao hơn các cặp vợ chồng sinh con đầu lòng là con trai. Nghiên cứu khác của Đại học Duke vào năm 2014 đã “minh oan” cho các cô bé khi công bố kết quả rằng, không phải cha mẹ sinh con gái thì dễ ly hôn mà những cặp vợ chồng thường có mâu thuẫn với nhau thì mới dễ sinh con gái. Lý do là vì phôi nữ thường cứng cáp và chống chọi tốt hơn khi người mẹ gặp áp lực tâm lý trong quá trình mang thai.

4. Xa cách

Nghiên cứu năm 2013 của công ty RAND (Research ANd Development) cho thấy việc người chồng nhập ngũ có liên quan trực tiếp đến độ dài của cuộc hôn nhân.

Việc nhập ngũ không chỉ khiến các cặp vợ chồng phải xa cách nhau mà còn khiến người chồng gặp khó khăn khi muốn hòa nhập lại với đời sống hôn nhân bình thường. Đó là chưa kể đến những tổn thương tâm lý mà người chồng phải chịu trong quá trình phục vụ quân ngũ.

Ngoài việc nhập ngũ, những nguyên do khác khiến các cặp vợ chồng phải bất đắc dĩ sống xa cách nhau (như đòi hỏi của công việc, học tập,…) cũng gây ra hậu quả tương tự. Điều này chỉ không xảy ra với những cặp đôi chủ định sống riêng vì có mâu thuẫn từ trước và cần thời gian để suy nghĩ về mối quan hệ của mình.

Chuyên gia Ochoa nói: “Nếu cả hai người đều cảm thấy thoải mái với việc xa cách, tình cảm vợ chồng sẽ không chịu nhiều tác động. Nhưng nếu những vấn đề như lòng tin, việc phân chia vai trò trong gia đình, tài chính,… không thể thống nhất thì sự xa cách chắc chắn sẽ phá vỡ mối quan hệ”.

5. Tổn thương tinh thần

Có những cặp vợ chồng nếu cùng phải trải qua một cơn chấn thương tinh thần (như người thân, con cái qua đời đột ngột; gặp tai nạn;…) thì sẽ gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Và cũng có những cặp ngược lại.

Lý do là vì việc phải nhìn thấy vợ/chồng mỗi ngày sau cú sốc tâm lý có thể gợi lên những hồi ức buồn mà bạn chỉ muốn quên đi càng nhanh càng tốt. Về lâu dài, cuộc sống chung sẽ trở thành sự chịu đựng chứ không còn mang lại hạnh phúc cho bạn nữa.

6. Tuổi già

Tỷ lệ các cặp đôi trên 50 tuổi ly hôn đã tăng lên đến mức “chóng mặt” trong năm 2013 và không hề có dấu hiệu sụt giảm. Giờ đây, ly hôn không còn là vấn đề của riêng các cặp vợ chồng trẻ nữa. Có thể nói rằng, việc con người ngày càng sống lâu hơn và sống khỏe hơn không hề giúp cho hôn nhân của chúng ta bền bỉ hơn.

Theo thời gian, có thể các cặp đôi trung niên sẽ cảm thấy mất kết nối và nguội nhạt cảm xúc cả tâm hồn lẫn thể xác với nhau. Một số cặp đôi sẽ cố chờ đến khi con cái trưởng thành để điều chỉnh các vấn đề riêng, một số cặp đôi khác lại không thể kiên nhẫn đến thế và ly hôn có thể coi như lựa chọn sau cùng của họ.

7. Ngoại tình

Tất nhiên sự xuất hiện của người thứ ba luôn là mối đe dọa rõ ràng với mọi cuộc hôn nhân. Nhưng nếu nhìn ở phương diện khác, đôi khi ngoại tình lại là cách để giúp vợ chồng có cơ hội đánh giá lại cuộc hôn nhân của mình và thấu hiểu nhau hơn. Không phải cứ có người thứ ba là quan hệ vợ chồng tan vỡ, vấn đề là hai bạn sẽ cùng nhau xử lý biến cố đó như thế nào.

Chuyên gia Ochoa nói: “Đôi khi ngoại tình sẽ giúp các cặp đôi nhìn thấy một khởi đầu mới. Đôi khi ngoại tình lại chính là giọt nước làm tràn ly, sẽ đẩy một cuộc hôn nhân vốn đã có nhiều trục trặc xuống vực thẳm. Hoặc nếu sự việc đã đi quá xa, không ai có thể cứu vãn được”.

Kết

Dù có bất cứ biến cố nào xảy đến với hôn nhân của bạn, nếu hai bạn có thể sẵn lòng sẻ chia, chân thành yêu thương nhau và quyết tâm giữ gìn hạnh phúc thì “sóng cả” cũng không thể làm “ngã tay chèo”.

Ngoài ra, điều quan trọng bạn cần nhớ là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hãy quan tâm nhiều hơn tới cuộc sống lứa đôi, tới cảm xúc, nguyện vọng của người ấy. Hãy thường xuyên trao đổi, bàn bạc với nhau cách xử lý nếu hôn nhân rơi vào một trong số những khủng hoảng kể trên. Đừng để khi chuyện không may xảy ra rồi mới cuống lên tìm cách giải quyết thì e rằng đã muộn rồi. 

Nguồn: Theo Health.com

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.