Tuấn vừa nghỉ việc ở công ty cũ, lý do để nghỉ thì cũng nhiều, quan trọng là cậu đã dự liệu được ý định công ty muốn cho cậu nghỉ việc nên Tuấn đi trước một bước để ra đi trong oanh liệt. Vừa nghỉ việc thì Tuấn đã rải CV khắp nơi để xin việc khác, nhìn vào CV của cậu thì cũng có kha khá đơn vị tuyển dụng điện thoại hẹn phỏng vấn nhưng cuối cùng Tuấn vẫn bị out ngay từ vòng phỏng vấn vì tội “nổ” quá đà.
Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn cơ bản về kinh nghiệm làm việc, lý do nghỉ chỗ làm cũ, trưởng phòng nhân sự có hỏi Tuấn về mức lương mà Tuấn muốn khi làm việc tại đây, không ngại ngần Tuấn hét gấp đôi mức lương mà Tuấn đã từng đảm nhiệm ở vị trí cũ “Ở công ty cũ mức lương của tôi là thế này, nên tôi sẽ không chấp nhận mức lương ít hơn cho công việc tương tự”, Tuấn chắc nịch với nhà tuyển dụng.
Cho đến khi trưởng phòng nhân sự muốn tham khảo bảng lương của Tuấn ở công ty cũ để tham khảo và quyết định mức lương phù hợp với cậu thì Tuấn viện lý do ràng buộc với công ty cũ không cho phép công bố mức lương với đơn vị khác để thoái thác, tránh bị bóc mẽ. Nhưng trưởng phòng nhân sự đang ngồi trước mắt Tuấn không phải tay mơ, anh vốn là một tay săn đầu người có hạng và có nhiều mối quan hệ quen biết rất rộng rãi, chỉ cần một cú điện thoại xác minh gọi về công ty cũ, Tuấn đã bị “out” vì thái độ không trung thực của mình, dù cậu có nhiều điểm mạnh như lanh lợi và có kinh nghiệm làm việc dày đặc.
Khác với Tuấn, Ngọc là một trường hợp khá hi hữu khi chấp nhận làm việc ở một công ty nhỏ với mức lương thấp hơn nhiều so với công ty cũ. Khi được hỏi tại sao lại chấp nhận làm việc với mức lương như vậy thì Ngọc không ngần ngại chia sẻ “Đây là lĩnh vực mà tôi yêu thích nhưng chưa hề thử sức qua, vì chưa có kinh nghiệm nên tôi muốn học hỏi nhiều hơn trước khi nghĩ đến vấn đề tiền lương. Trong tương lai, nếu tôi có thể khẳng định bản thân mình thì tôi nghĩ việc công ty tăng lương cho tôi chỉ là chuyện nhỏ”. Một câu trả lời được xem là rất thông minh và thẳng thắn, Ngọc đã chứng minh cho công ty tuyển dụng thấy mình thực sự là người có năng lực và có đam mê trong công việc, cô làm việc không ngừng và kết quả sau hai tháng thử việc, công ty đã đồng ý tăng mức lương của cô lên 30% so với mức lương thỏa thuận ban đầu.
Phương lại là một trường hợp khác. Sau khi nghỉ thai sản một năm, cô bắt đầu đi làm lại, khi được hỏi về mức lương mong muốn, cô thẳng thắn trả lời “Tôi mong muốn có mức lương cao hơn ở công ty cũ, tôi có thể chịu được áp lực trong công việc, có thể làm ngoài giờ và chịu trách nhiệm với tiến độ theo kế hoạch”. Đơn vị tuyển dụng chấp nhận mức lương mà Phương đề nghị đồng thời giao thêm nhiều việc lặt vặt để cô kiêm nhiệm như lời cô hứa là sẽ “chịu được áp lực công việc”. Ngày nào Phương cũng là người về muộn nhất công ty vì việc này dồn việc nọ, từ nhỏ đến to đều đến tay, làm không xong là các phòng ban thúc giục loạn hết cả, thời gian này lại là thời gian thử việc nên Phương càng muốn chứng tỏ năng lực của mình, về đến nhà 9h 10 giờ đêm, mặc dù nhà có giúp việc trông con nhưng con bé vẫn khóc vì thiếu hơi mẹ, chồng đi làm lâu không về thì càu nhàu suốt, Phương rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi vì mọi việc đổ lên đầu mà không ai thông cảm cho mình.
Sau hai tháng thử việc với đủ các ầm ĩ, tranh luận về cách làm việc, cũng như công việc nhà và cách chăm sóc con cái, Phương chấp nhận nghỉ việc dù tiếc đứt ruột mức lương trong mơ với một người đi làm trở lại.
Chuyện lương cao hay thấp đôi khi không phải là thước đo năng lực của bạn, khi đàm phán về mức lương với đơn vị tuyển dụng, hãy chắc chắn những công việc mình có thể làm được và tham khảo mức lương ở thời điểm hiện tại với công việc tương tự. Ai cũng mong muốn một mức thu nhập cao, nhưng lương cao đồng nghĩa với việc trách nhiệm công việc cao và năng lực cá nhân của bạn. Đừng bao giờ đòi hỏi một mức lương quá cao trong khi năng lực của mình chưa đủ để có được mức lương trong mơ đó.
Hạ Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.