Những câu không nên nói với sếp!

Tôi không biết, hình như là…

Khi sếp hỏi bạn một vấn đề nào đó, thay vì tìm kế “hoãn binh” rằng “Tôi sẽ tìm hiểu về nó và trả lời sếp sau” thì bạn đã vội vàng “Tôi không biết, hình như là…”. Việc bạn vừa khẳng định sự thiếu hiểu biết của mình về vấn đề đó, lại vừa mơ hồ nói về chủ đề mà mình không hiểu ngay lúc sếp hỏi, điều đó chẳng khác nào việc bạn thừa nhận mình là người có năng lực hạn chế và có tính bộp chộp, không đáng tin.

Đó không phải lỗi của tôi, đó là lỗi của…

Việc đổ lỗi cho ai đó không làm cho bạn trở nên tốt hơn, mà trong con mắt của người lãnh đạo, bạn đích thực là một kẻ thích chỉ trích và muốn yên thân, vì thế dù ai cũng biết đồng nghiệp của bạn vừa gây ra sai lầm nhưng chỉ có mình bạn lên tiếng vạch mặt anh ta/cô ta.

Việc bạn cần làm khi sếp hỏi về vấn đề đó trước mặt mọi người là gì? Hãy đề nghị một cuộc nói chuyện riêng tế nhị với sếp thay vì công khai chỉ trích đồng nghiệp ngay trước mặt mọi người, khi buộc phải nói về sai lầm của người khác, hãy dùng những từ ngữ có chọn lọc thay vì đổ vấy tất cả tội lỗi cho đồng nghiệp  và phủi tay. Hãy nghĩ đến một ngày nào đó không may bạn làm sai và người khác sẽ đối xử như vậy với bạn…

Tôi không làm được đâu

Việc thừa nhận việc “bất khả thi” khi sếp vừa giao việc chứng tỏ bạn không hề có ý định làm nó. Nếu bạn muốn từ chối hoặc biết khả năng mình không thể làm được, hãy cho sếp những lý do bạn không thể, hoặc có thể nhưng phải đáp ứng những điều kiện về nhân lực, thời gian, chi phí…Công ty không trả lương cho bạn để bạn nói rằng “Tôi không làm được đâu” hãy nhớ như thế!

Tôi đồng ý với ý kiến của sếp

Việc bạn nghe lời và đồng thuận với sếp trong tất cả mọi vấn đề không hề khiến sếp vui vì nhân viên phục tùng. Thay vào đó bạn sẽ được nhìn nhận như một kẻ ba phải, thiếu chính kiến và nịnh bợ trong mắt sếp và đồng nghiệp. Nên nhớ trong môi trường làm việc, năng lực chính là cán cân công lý chứ không phải là thói bợ đỡ hay “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong”.

Biết ngay mà

Câu nói ám chỉ như bạn là một “nhà tiên tri” nhưng làm sếp rất ngứa tai. Điều đó chứng tỏ bạn đã biết kết cục sai lầm khi triển khai nhưng không hề có phương án phòng trừ hoặc mặc kệ cho mọi chuyện xảy ra theo chiều hướng xấu. Sếp sẽ nghĩ bạn là một nhân viên thiếu trách nhiệm thay vì nghĩ bạn là “nhà tiên tri”.

Cậu chỉ làm được thế này thôi à?

Câu nói phủ định hoàn toàn những công sức mà đồng nghiệp vừa có được, thật tồi tệ nếu như bạn nói câu đó trước mặt sếp. Một câu nói chứng tỏ bạn là kẻ có tính đố kị, thái độ coi thường người khác và “bằng vai phải lứa” với sếp.

Cậu ta giỏi thật, nhưng ở công ty cũ…

Việc nói xấu đồng nghiệp với sếp, dù bạn có khéo léo đến đâu thì sếp vẫn hiểu được lời “nhã ý” của bạn đang ám chỉ điều gì. Moi móc nhược điểm để dìm hàng đồng nghiệp khiến bạn giống như một bức tranh vẽ dở nham nhở của một tay thợ vẽ nghiệp dư trong mắt sếp mà thôi.

Đây là ngày nghỉ của tôi

“Và đây là ngày làm việc cuối cùng của cậu” sếp sẽ trả lời bạn như vậy nếu như bạn khẳng định mình không làm việc ngoài giờ. Vẫn biết ngoài thời gian làm việc thì không ai có quyền bắt bạn phải làm việc không công, nhưng hãy nghĩ rằng “Dù mình nghỉ thì công việc vẫn phải chạy” vậy nên khi sếp đề nghị bạn làm việc ngoài giờ quá nhiều lần, hãy thẳng thắn trao đổi vào đề nghị một mức lương phù hợp cho ngày nghỉ của bạn thay vì “thẳng tưng” nói với sếp một câu như thể bạn là sếp vậy!

Nam Trung

 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.