Những chiến lược bảo vệ Trái Đất khỏi thiên thạch của NASA

0
127
Những chiến lược bảo vệ Trái Đất khỏi thiên thạch của NASA

NASA nghiên cứu nhiều phương án khác nhau để làm chệch hướng thiên thạch hoặc giảm thiệt hại mà chúng gây ra khi va chạm với Trái Đất.

Tàu kéo lực hấp dẫn

Hiện nay, chưa có loại vũ khí nào đủ mạnh để phá hủy một tiểu hành tinh khi phát hiện trong thời gian ngắn, theo RT. NASA tin rằng, biện pháp an toàn nhất để tránh thảm họa xảy ra là phát triển hệ thống cảnh báo sớm.

Các nhà khoa học cần phát hiện một tiểu hành tinh trước hàng thập kỷ nếu muốn ngăn chặn nó va chạm với Trái Đất. Trên thực tế, họ cũng cần một khoảng thời gian tương đương để đánh giá cấu tạo của thiên thể và quyết định sử dụng kỹ thuật làm chệch hướng nào trước khi tiến hành một nhiệm vụ có thể chỉ khiến nó lệch đi một hay hai centimet mỗi giây.

Tàu vũ trụ bay gần làm chệch hướng tiểu hành tinh. (Video: YouTube).

Nếu phát hiện tiểu hành tinh đủ sớm, các nhà khoa học có thể thay đổi đường đi của nó nhờ sử dụng lực hấp dẫn từ một tàu vũ trụ, theo NASA. Tàu kéo lực hấp dẫn có thể bay sát thiên thể trong vài thập kỷ, dần kéo nó đến một nơi an toàn trong vũ trụ, nơi con người có thể nghiên cứu hoặc khai thác cho mục đích thương mại. Dự án có thể vô cùng đắt đỏ và tốn thời gian này vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị lên kế hoạch.

Đốt laser

Tháng 2/2013, thiên thạch Chelyabinsk lao qua khí quyển mà các nhà khoa học trước đó không hề phát hiện, nhắc nhở con người về mối đe dọa của các thiên thể gần Trái Đất. Nó phát nổ trên bầu trời phía tây nước Nga và giải phóng năng lượng mạnh gấp 20 – 30 lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Trong tương lai, các nhà khoa học có thể sử dụng biện pháp đốt laser để xử lý những thiên thạch như Chelyabinsk. Đây là kỹ thuật chiếu laser lên bề mặt của tiểu hành tinh, biến nó từ chất rắn thành chất khí.

Một nghiên cứu của phòng thí nghiệm về khoa học vũ trụ thuộc Đại học Strathclyde cho thấy, về mặt lý thuyết, việc tận dụng các tia mặt trời làm năng lượng cho một đội tàu vũ trụ mang laser có tính khả thi.

Biến đá thành không khí sẽ loại trừ khả năng thiên thể vỡ thành nhiều mảnh và có thể gây nguy hiểm lớn hơn cho Trái Đất. Ngoài ra, cách này cũng không đòi hỏi tàu vũ trụ phải đáp xuống bề mặt thiên thể đang di chuyển.

Va chạm động học

Các nhà khoa học tin rằng thiết bị va chạm động học, tức là một tên lửa đâm vào làm lệch tiểu hành tinh, có thể hiệu quả với những thiên thể lớn có nguy cơ đâm xuống Trái Đất. Các nhà khoa học sẽ tiến hành một nhiệm vụ trong tương lai gần để kiểm tra tính khả thi của phương pháp này.

Đây là nhiệm vụ hợp tác giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), mang tên Đánh giá tác động và làm chệch hướng thiên thạch (AIDA), dự kiến triển khai tháng 10/2020. Họ sẽ phóng hai tàu vũ trụ lên không gian để thử nghiệm với tiểu hành tinh Didymos khi nó đến gần Trái Đất năm 2022.

Những chiến lược bảo vệ Trái Đất khỏi thiên thạch của NASA
Dự án sử dụng hai tàu vũ trụ đâm vào thiên thạch và theo dõi vụ va chạm. (Ảnh: Science Office).

Đầu tiên, tàu vũ trụ do NASA phụ trách phóng mang tên Double Asteroid Redirection Test (DART), sẽ đâm vào Didymos. Tàu vũ trụ thứ hai, Asteroid Impact Mission (AIM) của ESA, sẽ bay quanh tiểu hành tinh này để phân tích tác động của vụ va chạm.

Các nhà khoa học hy vọng, AIM sẽ mang về những thông tin giá trị hữu ích cho những nỗ lực bảo vệ Trái Đất trong tương lai. Bất cứ sự thay đổi nào của Didymos cũng sẽ đánh dấu lần đầu tiên nhân loại thay đổi đáng kể đường đi của một thiên thể trong hệ Mặt Trời.

Va chạm hạt nhân

Được coi là giải pháp cuối cùng, việc gây nổ hạt nhân để làm chệch hướng tiểu hành tinh sẽ gây ra những thách thức về đạo đức và chính trị.

Những chiến lược bảo vệ Trái Đất khỏi thiên thạch của NASA
Giải pháp tấn công tiểu hành tinh bằng hạt nhân có thể gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: Daily Express).

Các sinh viên đến từ Viện Công nghệ Massachusetts đã lần đầu tiên tiến hành nghiên cứu công khai về phương pháp này năm 1967. Trong dự án với tên gọi Icarus, các sinh viên đề xuất NASA phóng 6 tên lửa Saturn V và trang bị thêm đầu đạn hạt nhân cho mỗi chiếc.

Nhóm nghiên cứu thiết lập một hệ thống vận chuyển để tên lửa đầu tiên sẽ phóng đến tiểu hành tinh cách vụ va chạm với Trái Đất 13 ngày, tên lửa thứ hai cách 10 ngày, và cứ thế tiếp tục, theo Wired. Dự án có 71% khả năng bảo vệ Trái Đất hoàn toàn thoát khỏi thảm họa và 86% giảm thiệt hại vụ va chạm.

Tuy nhiên, Hiệp ước Không gian 1966 cấm sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ngoài vũ trụ, nghĩa là cần đạt được sự đồng thuận quốc tế trước khi tiến hành phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào tiểu hành tinh.

NASA khởi động kế hoạch bảo vệ Trái ĐấtCác nhà khoa học muốn bảo vệ Trái đất khỏi bão Mặt Trời bằng nam châm khổng lồ

 

Theo VnExpress