Những chiêu “săn” thực phẩm sạch cực hay ho của mẹ

Câu chuyện thực phẩm bẩn vẫn chưa bao giờ đến hồi kết. Và cứ lâu lâu lại rộ lên thông tin về rau củ, thịt cá nhiễm bẩn, nhiễm hóa chất,… rồi đến lượt thanh long giá rẻ, cam không rõ nguồn gốc đội lốt cam Hà Giang,… Nỗi lo về thực phẩm không an toàn khiến không ít bà nội trợ, nhất là những mẹ có con nhỏ vô cùng trăn trở, bức xúc…

Trăm nỗi lo bắt nguồn từ chợ

Chị Ánh Phương (Đào Tấn – Hà Nội) cho biết: “Nhà có con nhỏ nên mình không dám “liều” mua những loại hoa quả không rõ nguồn gốc, nhất là hoa quả càng đẹp, to, bóng mượt mà giá lại rẻ thì càng sợ. Điển hình như thanh long ruột đỏ, mình mua tại vườn miền Tây đã 55 ngàn/kg, thế mà ra đây (Hà Nội – Pv) họ bán có 35 ngàn/kg thì chắc chắn có vấn đề. Chưa hết, đến cả nho xanh, táo, lê, xoài,… mua về mà để mãi không thấy hỏng”.

Còn chị Thùy Liên (27 tuổi, Giảng viên đại học) thì băn khoăn: “Trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, mình nghĩ là tất cả các mẹ đang nuôi con nhỏ đều sẽ rất lo lắng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe và sự phát triển của các con. Có điều, lo thì lo như vậy, nhưng hằng ngày chúng ta vẫn phải ra chợ, vẫn phải mua thức ăn cho cả gia đình. Trong khi ở các chợ bán thực phẩm, hầu hết rau xanh, thịt, cá… được bày bán đều không có nguồn gốc rõ ràng. Và thật khó để “cân đo đong đếm” được lưu lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng… cũng như các loại hóa chất bảo quản trong những thực phẩm mua về. Nhiều khi, người mua hàng chỉ biết tin theo lời người bán “quảng cáo” rằng rau sạch, cá sạch… nhưng thực sự đến lúc ăn có khi còn lo nơm nớp…”



Chị Thùy Liên

Chị Tú Anh (Hà Nội) cũng có chung nỗi lo: “Con mình đâu thể ăn ở nhà mãi và ăn 100% theo mình kiểm soát được, rồi còn phải ra ngoài ăn nữa nên ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng. Chưa kể gà lợn nuôi theo kiểu tăng trọng, siêu nạc, chẳng biết ăn nhiều có ảnh hưởng gì về lâu dài không. Như hiện tại đang có ý kiến cho rằng bé có thể bị dậy thì sớm nếu dùng nhiều sản phẩm chứa thuốc tăng trọng. Thế nên không lo sao được”.

Kinh nghiệm tìm kiếm thực phẩm sạch

Với những mẹ ở nông thôn, nguồn thực phẩm ít ra còn được đảm bảo hơn vì có thể tự trồng rau, nuôi gà, thả cá,… làm thức ăn hàng ngày. Nhưng với những mẹ sống ở thành phố chật chội, điều đó e có phần “xa xỉ” vì “lấy đâu ra đất mà trồng trọt, chăn nuôi”. Thế nhưng, không “đầu hàng” bằng cách sống chung với thực phẩm “bẩn”, các mẹ đã nghĩ ra không ít cách hay ho để bữa ăn hàng ngày của gia đình an toàn hơn. Cùng xem các bà mẹ thông thái dưới đây chia sẻ những kinh nghiệm để “săn” được đồ ăn sạch như thế nào nhé!

Chị Ánh Phương (mẹ bé Min, Đào Tấn, Hà Nội) cho biết: “Thực phẩm cho Min mình mua ở cửa hàng thực phẩm hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng, có đóng dấu tiêu chuẩn để an tâm hơn. Một số cửa hàng rau hữu cơ có máy đo nồng độ dư lượng nitrat để các mẹ kiểm chứng, hoặc mình có thể mang hoa quả, rau củ mua chỗ khác đến đo cũng được.


“Cu Min” nhà chị Ánh Phương.

Cũng theo chị Phương, để chọn được thực phẩm an toàn thì phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, có tiêu chuẩn đàng hoàng. Rau củ và hoa quả nên mua đúng mùa, vì trái mùa vừa đắt, vừa không ngon lại dễ bị “ngâm” thuốc. Ngoài ra, chị Phương còn tự làm sữa chua, giò, xúc xích hay giá đỗ cho con ăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều loại thức ăn chị phải mua ngoài chợ, và: “Đành phải tin người bán thôi chứ biết làm sao được…”.

Hiện nay, các cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ là nơi mà rất nhiều mẹ tìm đến để có được thức ăn sạch cho con. Tuy nhiên, đây lại không phải giải pháp tối ưu vì “Thực phẩm hữu cơ hay thực phẩm sạch thì 1 là giá đắt hơn, không phải nhà nào cũng đủ điều kiện để mua, 2 là thậm chí ở một số cửa hàng bán rau sạch cũng không chắc có thật là sạch hay không…” – chị Nguyễn Tú Anh (Hà Nội) nói. Theo chị: “Mình nên làm người tiêu dùng thông thái, nghĩa là đi chợ lựa đồ theo mùa, như thế sẽ ít bị ngâm tẩm hóa chất hơn đồ trái mùa. Mình thường nói rằng, làm mẹ là sẽ thành… nông dân(!) vì phải tìm hiểu, phải biết mùa nào trái gì để mua…”.

Và dưới đây là bảng “hoa quả theo mùa” mà chị Tú Anh chia sẻ:

Tên quả Thời gian trồng  Thời gian thu hoạch  Đặc điểm quả 
Hồng xiêm Tháng 2 – 3 (miền Bắc)  Tháng 1 – 2 Quả nhỏ, thịt mịn, chắc, ít xơ, ít cát, thơm đậm, dáng thuôn
  Tháng 4 – 5 (miền Nam) Tháng 3 – 4 Quả to, dáng tròn, thịt mịn nhão, ít xơ, thơm nhẹ
 Bơ Tháng 4 – 8: chính vụ  Bơ nhiều béo, dẻo. Có loại chín tím và chín xanh
    Tháng 1 – 4: sớm vụ Bơ nhiều béo, dẻo. Cuối mùa bơ nhạt do có mưa. Chín xanh
    Tháng 8 – 10: muộn vụ Bơ nhạt, ít béo, chín tím, lỏng hạt
Thanh long Tháng 4 – 9: chính vụ  Tháng 5 – 10  Ruột đỏ: tai đỏ, vỏ màu đậm
      Ruột trắng: tai xanh, vỏ màu đỏ tươi
      Hai da: vỏ dày, màu đỏ pha xanh, tai vàng
Xoài Tháng 2 – 4 (vụ Xuân)  Tháng 5 – 6  
  Tháng 8 – 9 (vụ Thu) Tháng 11 – 12  
Dứa Tháng 3 – 4 (vụ Xuân)  Tháng 5 – 6 Dứa ta/ dứa mật chín rộ vào tháng 7, thịt quả vàng nhạt, chua, quả hình trụ, nặng khoảng 8 lạng/quả
  Tháng 8 – 9 (vụ Thu) Tháng 7 – 8 Dứa hoa chín tháng 5 – 6: Thịt quả vàng đậm, thơm, ngọt, nặng khoảng 3 lạng/quả, quả thuôn
Chuối Tháng 6 – 7 (chuối tiêu) Tháng 7 – 8 Chuối tiêu trắng chín xanh vào mùa hè, chín vàng vào mùa đông
      Chuối tiêu hồng chín vàng
Đu đủ Tháng 9 – 10  Tháng 7 – 9 Giống Hong Kong: Thịt quả vàng, mềm, ngọt nhẹ
   Tháng 3 – 4 Tháng 9 – 10 Giống Đài Loan: Thịt quả đỏ tím, chắc, ngọt đậm
      Giống Hồng Phi: Thịt quả đỏ cam, chắc, ngọt đậm

Đặc biệt, một “xu hướng” mới hiện nay của rất nhiều mẹ ở thành phố, đó là trồng rau trong chậu, ngoài ban công hay bất cứ khoảng không gian trống nào. Chỉ cần bỏ chút thời gian, công sức và tìm hiểu về đặc tính các loại rau, mẹ hoàn toàn có thể làm “nông dân” để có bữa ăn sạch cho bé đấy! Giống như mẹ Thùy Liên (Hà Nội) chẳng hạn:

“Bình thường mình hay mang đồ ở quê lên: rau củ, hoa quả nhà trồng được, trứng nhà bà nội, bà ngoại nuôi gà đẻ; thịt gà, thịt lợn sạch hay thịt bò ở quê, thậm chí cả cá quê mình làm ruốc cho con. Nói chung, mỗi lần về quê là lại mang đồ lên “tích trữ” để con ăn dần.

Tuy nhiên, thi thoảng đợt nào không về quê thường xuyên được thì mình sẽ phải mua đồ trên này, nhưng cũng hạn chế: ví dụ hoa quả thì mùa nào thức ấy chứ không mua đồ trái mùa; chuối, đu đủ thì mua xanh về để tự chín dần.

Mình cũng tự trồng rau trong thùng xốp trên sân thượng để phục vụ cho những hôm “nhỡ nhàng“, nhưng cũng “thu hoạch” được khá nhiều đấy!”


“Vườn” rau xanh tốt của chị Thùy Liên.

Trồng rau trong chậu, theo chị Thùy Liên là cũng khá đơn giản. Chị thường chọn một số loại rau sống khỏe như rau muống, rau cải,… và các loại rau thơm như diếp cá, kinh giới, lá lốt… Như thế sẽ không mất quá nhiều công chăm bón mà rau vẫn xanh tốt. Rau được trồng trong các chậu, thùng xốp,… hoặc có thể mua khay trồng rau chuyên dụng.

Vậy đấy, chỉ bỏ ra một chút thời gian, công sức nhưng lại thu được thực phẩm an toàn cho con. Tuy nhiên, dẫu sao trên đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. “Mình chỉ mong có quy định siết chặt lại việc dùng thuốc tăng trưởng, tăng trọng,… trong chăn nuôi, trồng trọt. Và cũng cần phải tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về an toàn thực phẩm để chúng ta, nhất là thế hệ con trẻ được lớn lên trong môi trường ‘sạch’ thực sự” – Chị Tú Anh nói.

Thiên An
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.