Cưa bom lấy thuốc nổ
Công việc rà phá bom mìn thường dành cho những nhân viên thuộc Bộ quốc phòng đảm trách, nhưng trên thực tế rất nhiều người làm nghề lượm ve chai, đồng nát tham gia vào công việc này và gây ra nhiều tai nạn khủng khiếp vì việc cưa bom lấy thuốc nổ.
Sau thời kỳ hậu chiến, trên lãnh thổ toàn Việt Nam hầu như nơi nào cũng còn tàn dư bom mìn do chiến tranh để lại, những khu vực xảy ra chiến tranh nhiều nhất thường lượng bom mìn còn sót lại rất nhiều, theo thời gian bị vùi lấp dưới đất mà các cơ quan chức năng chưa thể phát hiện và xử lý hết được.
Với những người làm công việc lượm ve chai, đồng nát, phế liệu thì việc tìm được bom mìn, lựu đạn diễn ra hàng ngày trên khắp Việt Nam. Do ý thức kém và cuộc sống khó khăn nên rất nhiều người làm nghề này thay vì đi báo cơ quan chức năng xử lý thì đã làm liều cưa bom để lấy thuốc nổ đem bán, lấy “xác” bom mìn bán phế liệu. Và hậu quả xảy ra thì luôn khủng khiếp.
Gọi hồn
Một nghề liên quan đến tâm linh và rất thịnh vượng ở Việt Nam cũng như một số nước Châu Á do tục lệ và tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Tại sao gọi hồn lại là một nghề “đáng sợ”? Vì việc gọi hồn, nhập vong liên quan đến người đã khuất, hay còn gọi là “ma”. Con người thường có khao khát muốn biết được thế giới sau khi chết nên nghề “gọi hồn” ra đời nhằm thỏa mãn cái khao khát, tò mò đó. Không phải ai cũng làm được nghề gọi hồn, những người “được chọn” phải là những người có tâm thiện, hoặc được “người Trên” ban phước, có “căn”, có thánh thần phù trợ thì mới có thể “nhìn” thấy ma và sử dụng năng lực siêu nhiên để “gọi hồn” được.
Tuy lý giải khoa học là thế nhưng đối với mọi người thì việc gọi “ma” về khiến mọi người nghe thôi đã có cảm giác “rợn tóc gáy”.
Lặn mò xác
Thợ lặn mò xác không phải là công việc nhiều người làm, thông thường những người đảm nhận công việc này đều là những người làm nghề chài lưới sông nước. Vì có nhiều người quẫn trí hay nhảy cầu tự vẫn nên các gia đình thân nhân phải tìm người lặn để tìm xác mang về hậu sự nên “nghề” lặn mò xác ra đời.
Những người làm công việc lặn tìm xác chết đuối còn được gọi là “người cướp cơm của hà bá” hay “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”, những người làm công việc này họ chia sẻ họ làm vì cái tâm chứ thực sự không phải vì vật chất. Dù đối diện với những điều khủng khiếp khi vớt xác nhưng những người lặn mò xác vẫn quyết định đi theo nghề không ngoài mục đích giúp người và giúp đời.
Bác sỹ sản khoa
Theo số liệu thống kê của Qũy dân số Liên hiệp quốc thì Việt Nam nằm trong top 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Con số khủng khiếp đó đã đủ phản ánh mặt trái đáng sợ của công việc bác sỹ sản khoa tại Việt Nam.
Công việc đình chỉ thai nghén chỉ được áp dụng trong trường hợp sản phụ là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp hoặc vì các lý do nhân đạo khác, nhưng trên thực tế tại Việt Nam, phần lớn vụ việc nạo phá thai đều do “vỡ kế hoạch” của các cặp vợ chồng và sự thiếu hiểu biết của trẻ em, trẻ vị thành niên, phụ nữ trẻ chưa sẵn sàng làm mẹ.
Những bác sỹ, hộ lý, y tá làm công việc này là việc “cực chẳng đã”, có những người đã không thể chịu nổi áp lực của công việc này mà bị ám ảnh đến nỗi phải chuyển nghề. Vì công việc có liên quan đến hai thái cực: Là nhân văn hay sát sinh? nên các bác sỹ làm công việc này thực sự phải có sự đấu tranh tâm lý rất lớn mới có thể tiếp tục công việc này.
Nghề nhậu thuê, khóc thuê đám ma
Nghề nhậu thuê là một nghề lạ và được xếp vào nghề đáng sợ ở Việt Nam bởi độ “độc” và nhiều “cám dỗ” mà công việc này mang lại. Những cô gái làm nghề này thường phải có tửu lượng rất tốt, bản lĩnh và thần kinh thép thì mới có thể theo được nghề. Công việc chủ yếu là uống rượu và tiếp chuyện với khách, nhưng những cuộc vui sau khi tàn rượu luôn là một chủ đề “hot” với dân ngoại đạo. Dù luôn khẳng định rằng mình “bán nghệ” không “bán thân” nhưng mấy ai dám đảm bảo các cô có thể giữ mình trước cái “bả” phù hoa? Do đó, nghề nhậu thuê được đánh giá là một nghề “đáng sợ” bởi sự đấu tranh tâm lý giữa việc lựa chọn “bán nghệ” hay “bán thân”?
Ngoài nghề nhậu thuê, nghề khóc thuê đám ma cũng được xếp vào hạng những nghề “đáng sợ”, dựa trên khía cạnh cảm xúc con người.
Khi một người thân qua đời, những người ở lại thường tiễn người đã khuất bằng tiếng khóc than đau buồn, tuyệt vọng, bất hạnh. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi đám tang không hề có tiếng khóc? Vậy là phải “thuê” người để khóc. Một người không hề quen biết người đã khuất, đến khóc lóc, vật vã nỉ non bên quan tài vì đồng tiền, gia quyến thì không khóc nổi…Đó không phải là an ủi người quá cố, mà là bi kịch của cả người sống lẫn người chết!
Vì thế, nghề khóc thuê là một trong những nghề “đáng sợ” nhất Việt Nam!
Nam Trung
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.