Có một nhóm người, vốn là nông dân, quanh năm trồng lúa, trồng khoai, tự dưng trở thành những người chuyên săn lùng báu vật dưới lòng sông.
Nhiều người vui miệng gọi đội thợ lặn của anh Hà Công Chuôm, chuyên săn tìm của cải dưới đáy sông Hồng là những “nhà khảo cổ nông dân”.
Chúng ta thường được xem trên phim ảnh những giáo sư, tiến sĩ, những nhà khảo cổ tài ba, là những người không ngại lao vào chỗ hiểm nguy, trực tiếp truy tìm cổ vật. Nhưng ở nước ta, những người nông dân, những đội thợ lặn nghiệp dư mới là những “nhà khảo cổ”, dám dấn thân xuống dòng nước dữ đầy nguy hiểm.
Dòng sông Hồng hung dữ chứa đựng nhiều báu vật. |
Hà Công Chuôm cũng chỉ là một anh thợ lặn mò sắt vụn không mấy ai biết đến, nếu không có sự kiện anh phát hiện ra con tàu cổ trên sông Hồng gây chấn động dư luận. Thời gian trôi qua, khi con tàu đã yên vị ở bảo tàng Hưng Yên, thì “nhà khảo cổ nông dân” này lại bươn bả ngược xuôi dưới đáy các dòng sông để kiếm sống.
Tôi gặp lại Hà Công Chuôm, anh chàng có dáng người nhỏ thó kia khi anh đang lặn ngụp dưới sông Hồng đoạn thuộc xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Chuôm bảo, dưới lòng sông ở đoạn này có mấy… quả bom. Anh em hì hụp lặn mãi mới moi lên được đem bán sắt vụn.
Vẫn dáng người gầy quắt, da mặt đỏ au nhuốm màu phù sa, nhưng bộ ngực nở phình như… đàn bà. Hầu hết đám thợ lặn đều sở hữu bộ ngực của những vận động viên tập thể hình. Dưới sức ép của nước, dịch tràn vào phổi, khiến lồng ngực họ căng lên. Hơn nữa, việc thở trong môi trường áp lực mạnh, vồng ngực họ cũng nở thêm ra để bảo vệ tim, phổi.
Tôi nói vui rằng, cái tên anh nghe thật lạ, nó vang uôm uôm như tiếng ếch kêu. Chuôm cười bảo: “Bố tớ tên Hà Công Ao, nên đặt tên tớ là Hà Công Chuôm. Quê tớ, cái ao nhỏ được gọi là chuôm. Có lẽ, cái tên Ao và Chuôm đã ghì chặt đời bố con tớ xuống mặt nước, mãi không ngóc lên được”.
Cổ vật trong một con tàu mà anh Hà Công Chuôm kiếm được
|
Quê anh Chuôm ở xã Tân Lễ, một xã nghèo của huyện Đông Hưng (Thái Bình). Đất đai ít, cấy lúa không đủ ăn, nên bố con anh làm thêm nghề đánh cá kiếm sống. Nguồn cá cạn kiệt thì mua con thuyền cũ rồi đi buôn cát, sỏi. Cái nghề săn của cải, tàu đắm dưới lòng sông bắt nguồn từ vụ trục vớt tàu giúp một người cùng quê.
Con tàu chở cát của ông này bị chìm ở sông Hồng. Thuê đội trục vớt của Nhà nước thì tốn kém hơn cả việc bỏ tiền mua tàu mới, nên ông ta định bỏ lại nó dưới lòng sông. Đúng lúc đó, thuyền chở đá của bố con Chuôm đi qua. Nghe ông hàng xóm kể sự tình, anh bảo: “Để em xem thế nào”. Nói rồi, Chuôm nhảy tõm xuống sông, lát sau, ngoi lên bảo: “Anh thuê cẩu đi, em thổi cát rồi ròng cáp vào tàu cho. Chỉ cần có cẩu là nhấc lên thôi mà”. Thế mà bố con anh Chuôm làm được.
Cũng sau vụ ấy, Chuôm nghĩ ra trò săn tìm tàu đắm dưới đáy sông. Anh tập hợp mấy nông dân quanh xóm thành đội thợ lặn, toàn là những anh chàng to khỏe, có kinh nghiệm với sông nước. Không ngờ, dưới đáy con sông hung dữ này có khá nhiều tàu đắm, sắt vụn… nên đội thợ lặn của Chuôm cũng sống được nhì nhằng, lại còn sắm được cả một con tàu cũ, với đồ nghề trục vớt trị giá mấy trăm triệu đồng.
Còn tàu cổ dưới lòng sông Hồng đoạn chảy qua Hưng Yên mà anh Chuôm trục vớt được.
|
Chuyện săn được con tàu cổ khiến cả nước chú ý là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của Hà Công Chuôm cùng anh em, chứ không phải tình cờ vớ được như người ta thường nghĩ. Đội thợ của anh đã phải mất hơn năm trời, quần nát cả đoạn sông Hồng chảy qua xã Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên) mới tìm thấy nó.
Để truy tìm báu vật có hiệu quả, đám thợ lặn này thường trong vai những nhà khảo cổ, gặp các cụ già sống dọc ven sông Hồng để khai thác thông tin. Cụ nào sống càng lâu thì càng có nhiều thông tin. Chính những cụ già sống ở xã Đại Tập đã kể lại cho anh Chuôm thông tin về con tàu cổ này.
Mấy cụ già kể rằng, cha ông các cụ vẫn thường kể cho bọn trẻ con nghe về một “con tàu ma”, cốt dọa bọn trẻ khỏi ra sông nghịch ngợm, dễ chết đuối. Tuy nhiên, câu chuyện về “con tàu ma” đó bắt nguồn từ một sự thật truyền miệng.
Động cơ hơi nước của con tàu cổ. |
Theo đó, cách đây chừng 200 năm, tại đoạn sông của xã Đại Tập, xuất hiện một con tàu buôn khổng lồ, mà chủ tàu và đoàn thủy thủ là những người Trung Quốc. Con tàu này chở hàng hóa từ Trung Quốc về Hà Nội, rồi lại chất đầy hàng hóa chở đi. Trong một trận lũ dữ, nó đâm vào một con tàu khác và cả hai cùng chìm, các thủy thủ cũng chết hết.
Thông tin chỉ có vậy, nhưng Hà Công Chuôm và đội thợ lặn vẫn kiên trì lần mò dưới đáy sông. Họ dùng những chiếc thuốn sắt dài cả chục mét chọc xuống lòng sông Hồng. Sau cả năm trời kiên trì, chiếc thuốn sắt của anh Chuôm đã chạm phải con tàu đó.
Sau khi dùng máy vừa thổi vừa hút bùn cát, đến độ sâu 5 mét dưới lòng đất, mũi con tàu hiện ra. Chuôm không tin vào mắt mình, đó đúng là một con tàu cổ khổng lồ, thân bọc bởi những lá đồng rất dày. Chỉ cần bóc lớp đồng này ra bán, cũng kiếm được số tiền không phải nhỏ.
Nhưng việc trục được nó lên không phải đơn giản, vì con tàu nằm theo chiều cắm đầu xuống đất. Phần mũi con tàu nằm dưới lòng đất 5 mét, nhưng phần đuôi của nó thì sâu dưới lòng đất tới 15m. Với độ sâu như thế, việc trục vớt sẽ rất tốn kém, nên chưa thể biết chắc lỗ hay lãi.
Phần đuôi tàu chìm sâu 15m dưới lòng đất. |
Với hy vọng kiếm được con tàu buôn chất đầy của cải dưới lòng sông, anh Chuôm đã dồn hết tiền bạc, vay nợ ngân hàng, thuê tàu trục vớt, máy cẩu, quyết “đánh bạc” một phen. Tổng số tiền chi phí cho việc trục vớt con tàu cổ đã lên tới 230 triệu đồng. Tuy nhiên, trong lòng con tàu cổ này lại chỉ có gỗ, củ nâu và đất sét. Đồ cổ chỉ có một bức tượng và vài cái bát sứ ít giá trị.
Khi con tàu khổng lồ bọc đồng tuyệt đẹp trồi lên khỏi mặt nước, người dân xã Đại Tập ùn ùn kéo ra để xem “con tàu ma” mà các cụ già vẫn thường kể cho bọn trẻ, thì cũng là lúc Hà Công Chuôm thở dài tuyệt vọng. “Nhà khảo cổ” dưới nước này thừa biết rằng, đó là một con tàu cổ, mà đã là đồ cổ, thì nó là tài sản quốc gia. Chuyện con tàu bị Nhà nước thu hồi, đúng như dự đoán của Hà Công Chuôm.
Còn tiếp…
Theo VTC