Đặt vòng tránh thai là biện pháp tránh thai hiệu quả, đơn giản được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, nó cũng những có tác dụng phụ mà bạn nên cân nhắc.
-
1
Vòng tránh thai là gì?
Vòng tránh thai là dụng cụ đóng vai trò như một vật cản được đặt vào trong buồng tử cung giúp ngăn chặn sự bám và làm tổ của trứng đã thụ tinh. Nhờ đó giúp bạn tránh thai. Tác dụng của vòng tránh thai rất cao, hiệu quả tới 98% nên nó được rất nhiều người lựa chọn.
Trải qua các quá trình cải tiến, các thế hệ của vòng tránh thai đã ra đời với hình dáng cũng như vật liệu cấu tạo khác nhau. Nhưng dù là hình dáng thế nào và vật liệu là gì thì vòng tránh thai cũng phải đảm bảo 3 yếu tố như sau:
– Có tác dụng tránh thai cao.
– Dễ dàng khi đặt và tháo ra khỏi buồng tử cung, đồng thời không gây khó chịu trong thời gian mang vòng tránh thai.
– Vòng tránh thai phải nằm yên trong buồng tử cung cho đến khi được tháo ra.
Tính đến nay đã có hai thế hệ vòng tránh thai được sử dụng phổ biến:
– Thế hệ thứ nhất: là vòng tránh thai trơ. Loại vòng này được bào chế bởi những sợi chỉ tơ tằm, hoặc catgut, polyetylen, chất dẻo, hay inox và có nhiều hình dạng khác nhau (hiện nay loại này không còn được sử dụng nữa).
– Thế hệ thứ hai: về bản chất giống thế hệ đầu tiên, được thiết kế bằng nhựa, có hình chữ T nhưng có gắn thêm một vòng nhỏ bằng đồng hoặc hormone Progesterone và chỉ có 1 hình dáng duy nhất là hình chữ T (loại này hiện nay đang được dùng khá phổ biến).
Vong tranh thai hiện nay được sử dụng phổ biến, có cấu tạo đơn giản hình chữ T
-
2
Vòng tránh thai giúp tránh thai bằng cách nào?
Cơ chế tránh thai của phương pháp đặt vòng tránh thai như sau:
– Khi vòng tránh thai được đưa vào tử cung, nó sẽ chiếm chỗ trong tử cung. Đối với những loại vòng được sản xuất bằng chất nhựa dẻo, khi vào tử cung nó sẽ tạo ra một phản ứng viêm, làm thay đổi về sinh hóa và tế bào của nội mạc tử cung, đồng thời tạo sự tiết dịch nội mạc tử cung, khiến lượng prostaglandin tăng lên, cơ chế tiêu sợi huyết cũng ảnh hưởng. Bạch cầu đa nhân xuất hiện tại nội mạc tử cung, tiếp theo là các tế bào cầu đơn nhân, đại thực bào. Do đó tinh trùng không thể xuất hiện ở buồng tử cung, đồng thời phản ứng viêm tại nội mạc tử cung sẽ ngăn cản không cho trứng thụ tinh làm tổ. Phôi sẽ bị đào thải ra khỏi tử cung cùng hiện tượng kinh nguyệt.
– Việc gắn thêm đồng vào vòng tránh thai đã làm tăng hiệu lực tránh thai. Chất đồng sẽ tác dụng lên các enzyme tham gia vào quá trình đục thủng và cân nhập vào lớp niêm mạc tử cung, khiến phôi thai không thể làm tổ. Ngoài tác dụng chính như trên thì các ion đồng được giải phóng ra hàng ngày (từ 50 – 80 microgam/ngày) sẽ tác dụng lên quá trình di chuyển của tinh trùng và góp phần làm thay đổi chất nhầy của âm đạo, làm không thuận lợi cho sự hoạt động của tinh trùng.
– Loại vòng tránh thai có gắn hormone loại progestagen như Medroxy progesteron acetat hoặc Lenovorgestrel có tác dụng làm tăng độ quánh của chất nhầy cổ tử cung khiến tinh trùng rất khó xâm nhập vào.
Bạn nên tham khảo: 9 phương pháp tránh thai hiệu quả và an toàn nhất
-
3
Ưu điểm của vòng tránh thai
– Vòng tránh thai mang lại hiệu quả tránh thai rất cao, lên tới 98%.
– Khi đặt vòng tránh thai, bạn hoàn toàn cảm thấy thoải mái, không có cảm giác đang mang vật thể lạ trong người.
– Quan hệ tình dục vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường và không bị ảnh hưởng.
– Đặt vòng tránh thai là phương pháp rất tiết kiệm. Bởi vòng tránh thai có tác dụng từ 5 – 10 năm và bạn không cần phải thay thường xuyên như bao cao su.
– Vòng tránh thai rất tiện lợi, vì chỉ cần đặt một lần và không cần thao tác gì nữa.
– Có hiệu quả tránh thai ngay lập tức sau khi đặt vòng.
– Sau khi tháo vòng tránh thai bạn vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường.
Bạn nên tham khảo: 5 Lý do khuyến khích bạn sử dụng vòng tránh thai
-
4
Vòng tránh thai được đặt như thế nào?
Bạn sẽ được các bác sĩ khám phụ khoa trước khi đặt vòng để đảm bảo rằng bạn không bị viêm nhiễm phụ khoa, vì thủ thuật đặt vòng sẽ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập sâu bên trong nếu bạn đang viêm nhiễm, gây nhiễm trùng nặng hơn vùng chậu, gây viêm dính vòi trứng, dẫn đến vô sinh sau này.
Vòng được gấp lại và cho vào một cái ống cũng bằng chất dẻo rất nhỏ, chỉ bằng đường kính que diêm, đưa vào cổ tử cung. Ống có piston và sau đó bác sĩ ấn vào nó, đẩy vòng vào tận hóc tử cung. Vòng mở ra. Bác sĩ rút ống ra và cắt sợi dây để chừa khoảng 5cm bên ngoài cổ tử cung Thời gian đặt vòng trong khoảng 5 đến 10 phút.
Dat vong tranh thai rất đơn giản và nhanh chóng, chỉ khoảng 5 đến 10 phút
-
5
Nên đặt vòng tránh thai khi nào?
– Đối với phụ nữ bình thường, vòng tránh thai nên được đặt ngay khi vừa sạch kinh nguyệt, vì lúc này cổ tử cung còn hé mở nên dễ dàng đưa vòng vào hơn.
– Đối với phụ nữ vừa sinh con, vòng tránh thai được đặt sau 6 tuần kể từ khi sinh. Đây là thời điểm đã xong giai đoạn hậu sản của chị em.
– Trường hợp sinh mổ thì cần sau ít nhất 3 tháng mới đặt vòng tránh thai. Bởi lúc này toàn bộ tử cung đã lành hẳn, các sợi chỉ khâu cũng hòa tan vào trong cơ tử cung.
– Với phụ nữ vừa nạo, hút thai nên đợi sau khi có kinh nguyệt trở lại và đặt ngay khi vừa sạch kinh.
-
6
Cần lưu ý gì sau khi đặt vòng tránh thai?
– Sau khi đặt vòng bạn nên nằm yên nghỉ ngơi ít nhất 1 giờ. Không mang vác hay làm việc nặng ít nhất trong 1 tuần sau khi đặt vòng.
– Không ngâm mình trong nước lâu, kể cả ngâm chân ngâm tay lâu trong nước.
– Sau khi đặt vòng 2 tuần bạn mới nên quan hệ tình dục.
– Cứ 3 đến 6 tháng bạn nên đến để bác sĩ hoặc y tá để xem xét lại tình trạng vòng tránh thai.
– Ngoài ra bạn nên thường xuyên tự kiểm tra vòng tránh thai của mình sau mỗi kỳ kinh nguyệt bằng cách kiểm tra dây vòng. Bạn có thể cảm nhận được dây vòng bằng cách cho ngón tay vào âm đạo. Và bạn cần lưu ý là phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi kiểm tra. Nếu thấy dây vòng ngắn hơn bình thường có thể vòng đã bị lệch chỗ. Còn nếu dây này biến mất, có thể vòng đã bị tuột. Nếu không thấy dây vòng, bạn hãy đến cơ sở y tế ngay để được tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ.
-
7
Những tác dụng phụ của vòng tránh thai
Một số ít phụ nữ sau khi đặt vòng tránh thai có thể gặp phải tác dụng phụ, do cơ thể chưa thích ứng ngay được với vòng tránh thai. Sau một thời gian ngắn, những phản ứng này sẽ hết. Trong trường hợp phản ứng nặng thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được xem xét lại việc đặt vòng.
– Có thể bị rong kinh, ra máu nhiều hơn và đau bụng. Khí hư ra nhiều hơn.
– Hơi đau lưng hoặc đau đầu.
– Bạn sẽ có cảm giác hơi bị chuột rút sau khi đặt vòng.
– Nếu không hợp bạn có thể bị gầy đi.
– Cảm thấy co thắt ở vùng bụng.
-
8
Bạn nên đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu
– Dây vòng bị rơi hay bị tuột vòng hoặc mất vòng.
– Đau sau khi quan hệ tình dục.
– Máu kinh ra quá nhiều và kéo dài.
– Khí hư có mùi khó chịu.
– Chậm kinh hoặc nghi ngờ có thai.
– Sốt cao trên 38 độ và buồn nôn.
-
9
Những ai không nên đặt vòng tránh thai
– Có thai hoặc nghi ngờ có thai.
– Sau phá thai bị nhiễm trùng.
– Đang bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục ( như lậu, giang mai,…) hoặc mắc các bệnh này trong vòng ba tháng trước đây.
– Viêm cổ tử cung mủ nhầy.
– Bệnh lý ác tính đường sinh dục.
– U xơ làm biến dạng lòng tử cung.
– Lao vùng chậu.
– Xuất huyết đường sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán và điều trị.
– Những phụ nữ có nhiều bạn tình.
– Bạn đang còn trẻ hoặc dự định sinh con trong vài năm tới.
– Viêm nhiễm đường sinh dục.
– Chụp X-Quang cho thấy tử cung bị dị dạng.
-
10
Chi phí và địa điểm đặt vòng tránh thai
Hiện nay, phương pháp đặt vòng tránh thai đang được nhà nước khuyến khích do đó nếu bạn đặt vòng ở các cơ sở có chương trình dân số – Kế hoạch hóa gia đình tài trợ như Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thành phố; Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản của quận, huyện hoặc một số trạm y tế xã, phường, thị trấn sẽ được đặt vòng, cấp thuốc và khám vòng miễn phí.
Ở các cơ sở y tế tư, giá thay đổi khoảng từ 300.000đến 600.000đ.
Bạn nên tham khảo: 4 sai lầm ngớ ngẩn khi tránh thai có thể gây vô sinh