Những điều đừng dại thể hiện nơi công sở

 

Trong môi trường công sở không thiếu những bí kíp để “đắc nhân tâm” với đồng nghiệp và sếp, nhưng nói là một chuyện, làm được thành công hay không thì lại phụ thuộc rất nhiều vào tính cách và khả năng của mỗi người.

Tuy nhiên, ai cũng cần phải có những “bí kíp” để “sống sót” trong môi trường công sở, và để tránh những điều “thất thố” với sếp hay đồng nghiệp, bạn tuyệt đối tránh những điều sau đây!

Nói xấu sếp – đồng nghiệp

Nói xấu người khác vốn là một “đức tính” không ai mê nổi. Với môi trường công sở phạm vi quen biết lại hẹp và dễ dàng xảy ra xích mích hơn.

Bạn nên nhớ, tiếng lành đồn xa, nhưng tiếng xấu đồn còn nhanh hơn tên lửa, dù bạn có bất đồng với cách làm việc của sếp hoặc đồng nghiệp thì cũng nên để trong lòng. “Cả giận mất khôn” vì thế hãy cố gắng tỉnh táo khi gặp chuyện xích mích với đồng nghiệp, đừng bao giờ đem chuyện bất đồng quan điểm ra để “tâm sự” với đồng nghiệp khác nếu như bạn chưa hiểu rõ con người của họ. Dù bạn biết đồng nghiệp mà bạn đang “tâm sự” có thể quý mến bạn nhưng làm ơn hãy nghĩ đến những rủi ro trong tương lai xa. Hoặc ngay cả hệ quả “nhãn tiền” là người đồng nghiệp ấy sẽ có suy nghĩ khác về bạn “Làm sao mình có thể tin tưởng vào một người chỉ chăm chăm đi nói xấu người khác?”. Vậy là, bạn thiệt đủ đường khi đi nói xấu đồng nghiệp.

Những điều đừng dại thể hiện nơi công sở

“Thảo mai”

Không ít những “thảo mai” chốn công sở thành công trong việc lấy lòng người khác, những “thảo mai” này có biệt tài ăn nói khéo léo, biết cách lấy lòng người khác và luôn thể hiện là một người đáng tin cậy, nhưng bản chất của “thảo mai” luôn là kẻ hai mặt, lợi dụng chuyện không may của người khác để làm lợi cho bản thân mình. “Thảo mai” cấp độ cao thường là những “cao thủ” khó để người khác bắt bẻ và “lột mặt nạ”, nhưng nếu bạn chưa đạt đến cấp độ ấy thì xin đừng cố gắng trở thành một “thảo mai” chốn công sở.

Công sở là môi trường của dân trí thức, họ không phải là những kẻ dại khờ để không nhận ra bạn là kẻ lèo lá, hai mặt. Vậy nên, che giấu bản chất thật sự của mình để sống giả tạo, tư lợi thì đó chính là con đường ngắn nhất để bạn trở thành một “thảo mai” bị đồng nghiệp “anti”, xa lánh.

Vô kỉ luật

Kể cả bạn là người có tài năng xuất chúng, công ty mất đi bạn như mất đi một nguồn lực phát triển thì bạn cũng đừng bao giờ có tư tưởng “thích thì làm không thích thì nghỉ”. Đó là một tính cách cực kì xấu trong môi trường cần có những nguyên tắc chung khi làm việc.

Một người dù tài giỏi đến đâu cũng cần phải có sự tôn trọng với tập thể mình đang hoạt động cùng, điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn làm việc theo một cách tùy hứng, luôn đi trễ, sai hẹn và “một mình một phách”?

Sự vô kỉ luật sẽ làm giá trị con người bạn bị giảm xuống ở bất cứ một công việc nào. Ai sẽ tin một con người luôn sai hẹn, trễ giờ, một mình một kiểu làm được việc mà ông chủ giao phó? Chốn công sở, bạn hãy làm việc với tác phong như một doanh nhân chứ không phải là tác phong tùy hứng của một nghệ sỹ.

“Cái rốn của vũ trụ”

Các nhà khoa học đã chứng minh “cái rốn của vũ trụ” không thuộc hệ trái đất hay thuộc về loài người nhưng trên thực tế không ít người tin vào điều đó, và thế là họ vẫn nghĩ mình là “trung tâm” của trái đất. Sự ảo tưởng này sẽ dẫn đến những hành vi “bất ổn” nơi làm việc, nơi mà sự tỉnh táo và biết mình biết người luôn được đặt lên hàng đầu.

Kể cả bạn có là ông chủ thì không có nghĩa tất cả điều bạn nói ra đều đúng, đó chỉ là mệnh lệnh buộc nhân viên phải tuân theo mà thôi! Nếu như bạn luôn cho rằng mình đúng và quyết định của mình luôn là sáng suốt, quan trọng nhất thì tại sao bạn lại phải tuyển nhân viên đến làm việc cho mình và sử dụng chất xám từ họ? Bạn luôn là người “biết tuốt” cơ mà!

Những điều đừng dại thể hiện nơi công sở

Lắng nghe người khác luôn là một kĩ năng cơ bản nhất thiết phải có trong khi làm việc, sẽ ra sao nếu ai cũng nghĩ rằng ý kiến của mình mới là đúng và quan trọng nhất? Hãy nhớ, cái rốn của vũ trụ không thuộc về loài người, hãy tỉnh táo và biết lắng nghe người khác, bạn sẽ “sống ổn” nơi công sở!

“Giáo sư biết tuốt”

Trong các cuộc “trà dư tửu hậu” về mọi vấn đề, chủ đề nào bạn cũng tham gia và bla..bla như thể bạn hiểu rất rõ về vấn đề đó. Mọi việc sẽ ổn khi bạn thực sự là người am hiểu tận cùng chuyện bạn đang nói. Nhưng “sự hiểu biết của con người chỉ như giọt nước mà cái điều mà ta chưa biết thì mênh mông như đại dương”, sẽ chẳng ai đánh giá bạn dốt khi bạn không am hiểu một vấn đề nào đó trong cuộc sống, bởi đó là một điều rất bình thường, hiển nhiên.

Vậy nên, thay vì “chuyện này chuyện kia chuyện nào tôi cũng biết” rồi chém “kinh hồn bạt vía” người đối diện thì tốt nhất bạn nên học hỏi thêm nhiều kiến thức cho thật chắc để tránh nói “hớ” gây mất thiện cảm với đồng nghiệp.

Công sở là nơi luôn cần những bộ óc tỉnh táo, khôn ngoan và biết chấp hành những nguyên tắc chung. Những người trẻ khi mới bước vào môi trường này thường gặp không ít những bỡ ngỡ trong việc thể hiện cá tính, năng lực của bản thân. Để tránh việc “chưa thành tài đã thành tật” thì các nhân viên chốn công sở nên học tốt những “bí kíp” chống sai lầm trước khi học những phương pháp gây chú ý với sếp hay đồng nghiệp.

Khương Diệp Anh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.