Những điều lưu ý về viêm gan siêu vi

Những điều lưu ý về viêm gan siêu vi

Đa số bệnh nhân bị nhiễm siêu vi viêm gan B hoặc C không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi làm xét nghiệm máu tầm soát hoặc và chỉ đi khám và điều trị khi thấy các dấu hiệu rõ rệt như bụng to, vàng da… Nhiều trường hợp tình cờ phát hiện ung thư gan mà bệnh nhân không hề có bất kỳ triệu chứng nào đáng kể.

  • 1

    Tình hình bệnh viêm gan siêu vi tại Việt Nam?

    Cứ 4 – 5 người dân Việt Nam thì lại có 01 người bị nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B mãn tính và trong một cuộc nghiên cứu gần đây thì có gần 20% dân số Việt Nam nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B. Căn bệnh nguy hiểm này đang là gánh nặng cho y tế cộng đồng Việt Nam. Mỗi năm căn bệnh này khiến nhiều người tử vong trong nghèo khó và đau đớn vì biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh nhân đều phát hiện bệnh trong giai đoạn trễ hoặc không được tư vấn đầy đủ về mức độ nguy hiểm của bệnh nên lơ là việc theo dõi và điều trị dẫn đến bệnh nặng và việc chữa trị không còn hiệu quả.

  • 2

    Tại sao bệnh nhân thường chỉ phát hiện viêm gan siêu vi khi đã biến chứng thành xơ gan hay ung thư gan?

    Bệnh gan vẫn có thể phát triển trong cơ thể chúng ta khi hoàn toàn không có triệu chứng gì, nhất là những bệnh nhân bị nhiễm siêu vi viêm gan mãn tính. Đa số bệnh nhân bị nhiễm siêu vi viêm gan B hoặc C không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi làm xét nghiệm máu tầm soát. Nhiều trường hợp tình cờ phát hiện ung thư gan mà bệnh nhân không hề có bất kỳ triệu chứng nào đáng kể.

    Nhiều người vẫn thường cho rằng “Tôi đang khỏe mạnh, không uống nhiều rượu bia thì chắc là không bị nhiễm bệnh gan”. Nhưng đây có thể là một quan niệm sai lầm. Vì bất kỳ ai quan tâm đến sức khỏe của mình nên đi kiểm tra gan hàng năm. Ngoài ra, những người trong gia đình có người bệnh gan nên xét nghiệm máu thường xuyên hơn (mỗi 6 tháng) để kiểm tra. Những người thói quen ăn uống không khoa học: uống nhiều rượu bia, ăn quá nhiều chất béo, thừa chất, ít vận động sẽ có nguy cơ dẫn đến căn bệnh gan nhiễm mỡ, cũng thuộc đối tượng cần được kiểm tra gan thường xuyên (mỗi 3 – 6 tháng tùy tình trạng). Phụ nữ  có thai đều nên được tầm soát viêm gan B trước sinh để được phát hiện và xử trí thích hợp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho con.

    Những điều lưu ý về viêm gan siêu vi

  • 3

    So với viêm gan B, thì viêm gan C có nguy hiểm hơn không? Có mối liên hệ nào giữa viêm gan C và B ?

    Cả 2 loại viêm gan đều nguy hiểm như nhau, đa số viêm gan B ở dạng không hoạt động, ở dạng này thì tỷ lệ xơ gan và ung thư gan thấp, không đáng ngại, trong khi đó đa số nhiễm virus viêm gan C thường bị xơ gan và ung thư gan. Tuy nhiên việc chữa trị viêm gan C lại có tỷ lệ thành công cao hơn B.

    Nói chung viêm gan B và C đều do virus gây ra nhưng 2 loại virus này hoàn toàn khác nhau. Người bị viêm gan do virus B vẫn có thể đồng nhiễm thêm virus C và ngược lại.

  • 4

    Viêm gan C vì sao lại khó có thể trị hết được thưa bác sĩ? Quá trình điều trị có khó khăn hay phức tạp không thưa bác sĩ? Nếu không chữa khỏi có nguy hiểm tới tính mạng không?

    Hiện nay đã có thêm nhiều loại thuốc mới để điều trị viêm gan siêu vi C, kết quả điều trị cũng khá khả quan. Tuy nhiên thuốc điều trị có nhiều tác dụng phụ, phải tiêm thuốc mỗi tuần và khá đắt tiền so với thu nhập của đại đa số bệnh nhân nên phần lớn bệnh nhân viêm gan C vẫn chưa được điều trị đặc hiệu. Khi nhiễm viêm gan C mạn tính mà không chữa khỏi thì tỷ lệ xơ gan và ung thư gan là rất cao, chưa kể đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do virus viêm gan C gây ra

    Hiện nay dù chưa có thuốc phòng ngừa viêm gan siêu vi C, nhưng bệnh nhân vẫn có khả năng được chữa khỏi bệnh nếu được tầm soát sớm, điều trị đúng chuyên khoa, kiên trì tuân thủ điều trị liên tục.