Những điều một ông bố tốt luôn đồng hành cùng mẹ bầu

Thai nghén và sinh nở không phải chỉ là chuyện của người phụ nữ – người mẹ. Đàn ông làm cha cũng xuất sắc như phụ nữ làm mẹ và con trẻ thì luôn thích được cả cha và mẹ yêu thương, nuôi dưỡng. Và hãy bắt đầu hành trình làm cha trong 9 tháng 10 ngày bạn nhé!

Thái độ của bạn khi muốn có con

Bạn hãy cân nhắc và suy nghĩ một cách chín chắn trước khi quyết định có con. Hãy đưa ra những câu hỏi và tự trả lời: Ý muốn có con của hai vợ chồng bạn có giống nhau không? Cuộc sống của hai vợ chồng bạn sẽ thay đổi như thế nào khi có em bé? Vợ chồng bạn thực sự muốn có con hay chỉ vì những lời giục giã?

Bạn cần đưa ra những quyết định và có trách nhiệm với chúng. Hãy nhớ rằng bạn có những khó khăn và cả những cơ hội ở phía trước khi trở thành bố.

Cùng vợ chuẩn bị kế hoạch sinh con

Việc đưa ra kế hoạch càng chi tiết sẽ giúp bạn ứng phó tốt hơn với nhiều tình huống “làm cha” phía trước. Vợ chồng bạn có thể đưa ra nhiều vấn đề, tình huống, cách giải quyết cụ thể cho việc sinh con như: vấn đề tài chính, lựa chọn người chăm sóc cho hai mẹ con, bạn có thể thu xếp công việc ra sao nếu muốn đưa vợ đi khám thai…

Cảm nhận

Có thể 2 – 3 tháng đầu mang thai, vợ bạn chưa có nhiều thay đổi về ngoại hình khiến bạn thấy mọi chuyện đều rất bình thường. Tuy nhiên, khi bạn thấy thân hình vợ mình bắt đầu thay đổi và lần đầu cảm nhận sự cử động của thai nhi thì ý nghĩ có con và vai trò làm cha sẽ trở nên rất thật. Và dường như đây chính là điểm khởi đầu cho chuyến hành trình dài mang tên “Làm cha” thực sự diễn ra.

Trò chuyện cùng vợ

Rất nhiều ông bố muốn biết được cảm giác và những gì đang xảy ra trong cơ thể của vợ, vậy đừng ngần ngại để hỏi thẳng vợ mình. Bạn có thể hỏi cô ấy về những cảm giác khi bé yêu cử động trong bụng mẹ sẽ như thế nào? Tìm hiểu xem vợ bạn có những thay đổi bất ổn về mặt sinh lý, tình cảm nào đặc biệt không? Hay cô ấy có những sở thích mới xuất hiện từ khi có bầu ra sao? Chắc chắn vợ bạn sẽ rất cảm động và sẵn sàng chia sẻ với ông xã về những trải nghiệm đang có.

Tham gia các lớp học tiền sản

Thật “lạc hậu” nếu các ông bố nghĩ rằng chỉ có mẹ bầu mới phải tham gia lớp tiền sản. Bởi sự thật là lớp học này cũng vô cùng quan trọng với bố nữa đấy! Có rất nhiều các lớp học tiền sản được tổ chức cho các ông bố bà mẹ với nhiều hình thức khác nhau. Bạn có thể lựa chọn lớp học tiền sản cùng với vợ hoặc dành riêng cho nam giới. Đây chính là cơ hội để bạn được trao đổi cùng các chuyên gia về các thông tin sản khoa và chăm sóc thai phụ. Đừng ngần ngại đặt câu hỏi để có sự tương tác vì tất cả kiến thức bạn có sẽ rất hữu ích để chăm sóc cho vợ và con bạn.

Trò chuyện cùng các ông bố khác

Các ông bố Việt Nam chưa có thói quen đem chuyện nuôi dạy con hoặc kinh nghiệm làm cha làm chủ đề chính trong những câu chuyện của họ. Nhưng ở lớp học tiền sản bạn sẽ cảm nhận điều khác biệt này. Rất nhiều ông bố cũng có cảm giác lo lắng và mong muốn trò chuyện với người cùng giới để học hỏi kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, bạn có thể xin ý kiến từ bạn bè, người thân đã có con để có sự chỉ dẫn.

Bổ sung kiến thức

Học tập và tiếp thu kiến thức về sinh sản, nuôi dạy trẻ là điều không bao giờ thừa. Bạn càng hiểu rõ tất cả những gì xảy ra trong quá trình thai nghén của vợ bao nhiêu thì bạn sẽ càng quen thuộc và giải quyết dễ dàng mọi vấn đề.

Ngoài ra, việc chủ động tìm hiểu các thông tin về thai kỳ sẽ giúp bạn sẽ trở thành người đồng hành hỗ trợ vợ mình trong 9 tháng bầu bí và quá trình chăm sóc con sau này.

Làm quen với bé yêu trước khi sinh

Đa số các ông bố đều ngỡ ngàng và rụt rè khi lần đầu nói chuyện với thai nhi. Tuy nhiên, đây không phải là việc quá sớm vì mặc dù nằm trong bụng mẹ nhưng khi bước vào tháng thứ 5 – 6 bé đã có thể lắng nghe những âm thanh bên ngoài.

Có một điều vô cùng thú vị dành cho các bố đó là bé có thể nghe được giọng trầm của bố rõ ràng hơn giọng nói của mẹ đấy! Để làm quen với bé, bố có thể xoa nhẹ bụng vợ, nói chuyện và thì thầm với con qua làn da bụng của vợ. Bạn có thể lắng nghe nhịp tim của bé đập bằng cách dùng một tờ giấy bìa và cuộn tròn để nghe.

Và hãy nhớ đừng bỏ qua giây phút cùng vợ lần đầu đi siêu âm và được nghe nhịp tim của bé một cách rõ ràng. Bạn sẽ thấy âm thanh đó thật diệu kỳ và ý nghĩa biết bao.

Một việc vô cùng ý nghĩa nữa đó là, ngay từ sớm bố có thể bàn bạc cùng mẹ về việc đặt tên cho bé, gồm cả tên đi học và tên ở nhà thật dễ thương nhé. Và đừng quên mỗi lần trò chuyện với con, hãy gọi tên bé nhé!

Thanh Lê

 

Xem thêm:
Cẩm nang cho mẹ sinh con lần đầu
Những việc “tối quan trọng” mẹ cần làm trong suốt thai kì
Mẹo trị nôn nghén cực hiệu nghiệm cho bà bầu bằng gạo lứt

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.