Những hình ảnh gây sốc khó tin về rác thải ở Lý Sơn

Mặc dù những con đường lối đi ngập đầy rác này không phải là nơi dừng chân của khách du lịch, thế nhưng muốn đi đến các điểm tham quan thắng cảnh, tắm biển, họ bắt buộc phải đi ngang qua đây và chịu đựng thứ mùi khó chịu bốc lên.

Sự ô nhiễm gây sốc ở đảo Lý Sơn

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ – Đảo Lớn), An Hải (Đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Với địa chất, địa hình và cảnh quan được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm, Lý Sơn còn được ví như đảo Jeju của Hàn Quốc.

Khoảng 2 năm trở lại đây, từ một hòn đảo hoang sơ ít khách du lịch biết đến, Lý Sơn đã trở thành một địa điểm được giới trẻ in dấu chân, check-in nhiều nhất. Sự thay đổi từ khi Lý Sơn phát triển mạnh mẽ về du lịch khiến không ít người lo lắng cho tương lai của một thiên đường xanh.

Cũng giống như những bãi biển ở Miền Trung, bãi biển ở Lý Sơn rất đẹp theo đúng nghĩa: Biển xanh – cát trắng – nắng vàng. Nhưng con đường dẫn đến những bãi tắm thiên đường này dường như ít được đề cập trong những bộ ảnh đẹp ngất ngây giới thiệu về Lý Sơn, bởi lẽ đó là những con đường mà lượng rác khổng lồ chất đầy dọc theo suốt chiều dài tuyến đường. Hàng chục tấn rác được người dân trong khu dân cư thả xuống mỗi ngày khiến ai đi ngang cũng phải khiếp sợ.

Cả con đường dẫn ra cổng Tò Vò bốc mùi hôi nặng nề do lượng rác thải ra ngày một nhiều.

Dân số trên 20.000 người và lượng khách du lịch mỗi năm tăng cao, 10km2 huyện đảo Lý Sơn đang bị ô nhiễm trầm trọng vì rác thải được vứt vô tư xuống biển, khiến cho nguồn san hô, tảo biển và nguồn thủy hải sản ven đảo gần như cạn kiệt.

Do không có bãi xử lý rác thải trên đảo nên gần 20.000 dân địa phương cùng với du khách mỗi lần đổ rác đều xả thẳng xuống biển. Ước tính mỗi ngày có đến hàng chục tấn rác bị ném xuống. UBND huyện Lý Sơn đã vận động người dân chôn rác thải hoặc tự thiêu hủy trong vườn nhà. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thực hiện triệt để vì dân số đông, diện tích chật hẹp và thói quen xả rác thải ra biển đã từ nhiều năm qua, rất khó thay đổi.

Rác thải ngập đầy sát mép nước biển.

Những bãi rác khổng lồ càng nặng mùi hơn trong những ngày nắng nóng, khiến khách du lịch không khỏi ngao ngán. Chị Kim Thoa, khách du lịch đến đảo vào dịp lễ 2/9 vừa qua cho biết: “Lý Sơn có nhiều cảnh quan đẹp, bãi tắm trong vắt, điều đó tôi không phủ nhận, nhưng phía sau những cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ đó lại là một bãi rác khổng lồ dọc theo các tuyến đường trong khu dân cư. Cứ mỗi lần muốn ra bãi tắm hay lên núi Thới Lới, ra Hang Câu là phải chịu mùi hôi thối “tra tấn” trên đường đi. Nếu không khắc phục được tình trạng này, khách du lịch khó lòng quay trở lại với Lý Sơn”.

Hiện tại chỉ có duy nhất Đội thu gom xử lý rác thải hoạt động ở địa bàn xã An Vĩnh, Đội thu gom này thu gom “cuốn chiếu” từ thôn Đông đến thôn Tây, phải mất 2 ngày Đội thu gom này mới di chuyển đến tất cả địa bàn hai thôn của xã An Vĩnh để thu gom. Riêng xã An Hải là địa phương chưa có Đội thu gom rác thải hoạt động, hàng ngày trên 10 tấn rác thải sinh hoạt được người dân xã An Hải đưa xuống biển làm ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.

Tháng 6/2015, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Người dân trên đảo kỳ vọng nhà máy sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt chưa được xử lý. Thế nhưng sau khi vận hành, mỗi ngày nhà máy xử lý tối đa chỉ đạt… 1,5 tấn rác thải, còn quy trình phân loại, xử lý rác đều bằng phương pháp thủ công.

Nhà rác xử lý chất thải rắn linh hoạt được đầu tư trên 30 tỷ đồng nhưng công nhân Nhà máy phải dùng rổ nhựa để đưa rác thải vào lò đốt. (Ảnh: Lao Động).

Rác thải không xử lý hết được đổ ngổn ngang khuôn viên Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên đảo Lý Sơn. (Ảnh: Lao Động).

Vì tình trạng này nên hòn đảo thiên đường luôn ngập tràn rác thải sinh hoạt, tạo hình ảnh phản cảm với du khách, và ảnh hưởng sức khỏe của người dân. Không những thế, trước tình hình du lịch trên đảo được đẩy mạnh, lượng khách du lịch ngày càng đông, vấn đề rác thải lại càng nghiêm trọng do một số du khách thiếu ý thức và cũng bởi “thấy người dân xả nên cũng… xả theo”, nên tại cảng tàu, những cảnh quan đẹp trên Lý Sơn cũng đã hình thành nhiều bãi rác thải.

Rác được ném xuống ngay tại cảng đảo.

Vừa qua, đoàn nghiên cứu của Viện Kỹ thuật biển (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra kết luận nghiên cứu vùng biển ở Lý Sơn, khẳng định nguồn thảm thực vật dưới đáy biển Lý Sơn đã bị biến mất, trong khi trước đây khu vực này từng được ví như rừng dưới đáy biển. Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại đảo Lý Sơn đang đứng trước nguy cơ biến thành “đảo rác”.

Mặc dù đây không phải là nơi dừng chân của khách du lịch, thế nhưng muốn đi đến các điểm tham quan thắng cảnh, tắm biển, du khách bắt buộc phải đi ngang những tuyến đường đầy rác thải thế này.

Người dân huyện đảo đang bị bủa vây bởi rác thải sinh hoạt.

Chai nhựa, vỏ kẹo, hộp sữa, bao rác nằm chất đống trên bãi cát.

Bên dưới những gốc dừa cũng là địa điểm “tập kết rác”.

Đủ mọi rác thải nổi lềnh bềnh.

Những bãi rác kinh hoàng có mùi hôi nồng nặc trong khu dân cư.

Một quán ăn tại Hang Câu đã trở nên mất cảnh quan khi những vỏ lon nước nằm ngổn ngang không người thu gom.

Các bờ đá ngổn ngang rác do khách du lịch vứt xuống.

Tại bãi tắm ở đảo Bé, người dân kinh doanh nước giải khát cũng góp phần gây ô nhiễm khu vực này.

Bãi rác thải khổng lồ bốc mùi hôi thối dọc tuyến đê chắn sóng thuộc xã An Vĩnh và An Hải.

Biển báo vô hiệu lực với thói quen của người dân đảo Lý Sơn.

Ông Phạm Hoàng Linh (Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn) cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường ở huyện đảo là điều trăn trở nhất với lãnh đạo huyện. Ông Linh cho biết: “Chúng tôi đang đề nghị tỉnh Quảng Ngãi và các cấp tạo điều kiện đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại hơn vì nhà máy hiện có chạy với công suất nhỏ quá, không xử lý được hết hàng tấn rác sinh hoạt của người dân, chưa kể đến khách du lịch. Công tác tuyên truyền của huyện đang tăng cường, vận động phối hợp nhiều ban ngành, đoàn thể nhưng rõ ràng sự tự giác ý thức bà con còn hạn chế”.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền gìn giữ ý thức bảo vệ môi trường biển đảo, ông Hoàng Linh cho biết địa phương cũng đã tổ chức nhiều chiến dịch và nhiều đợt ra quận tuyên truyền. Các mặt trận đoàn thể cũng hình thành tổ chức tự quản để vào cuộc xử lý môi trường. “Ý thức vẫn là vấn đề lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều được”, ông nói.

 

Theo Trí Thức Trẻ