Tampon là một loại nút bông cotton nhỏ được đặt vào âm đạo người phụ nữ để thấm hút kinh nguyệt. Một sợi dây gắn ở tampon đặt ngoài âm đạo giúp chị em kéo tampon ra dễ dàng. Tampon ra đời cách đây cả nghìn năm. Theo những tài liệu ghi chép cũ, phụ nữ Ai Cập đã biết sử dụng tampon bằng giấy cói mềm từ thế kỉ 15 trước công nguyên. Sau này, người Roma sử dụng tampon bằng len.
Chất liệu và chất lượng tampon không ngừng thay đổi và được cải thiện theo thời gian. Nhưng ngày nay, nhiều phụ nữ có tâm lý dè chừng và tránh sử dụng tampon bởi những lo lắng trên thực tế hầu như không bao giờ xảy ra. Vậy những hiểu lầm đó là gì và sự thực tampon có đáng bị chị em “tẩy chay” như thế không? Hãy đọc bài viết dưới đây và có sự nhìn nhận đúng đắn nhất về tampon.
1. Tampon làm mất màng trinh
Sự thực: Màng trinh là một mô có độ đàn hồi tốt, thích ứng được với tampon. Bạn không nên lo lắng tampon sẽ làm rách màng trinh. Các nguyên nhân rách màng trinh phổ biến nhất chủ yếu là do quan hệ tình dục. Ngoài ra, các yếu tố ít phổ biến gây rách màng trinh có thể do tập thể dục, đi xe đạp, cưỡi ngựa…
2. Tampon bị tuột vào bên trong âm đạo
Sự thực: Mọi thứ không dễ bị lọt vào trong âm đạo, tampon cũng vậy. Trước tiên, bạn cần học cách sử dụng tampon đúng cách, với phần dây nhỏ luôn ở bên ngoài âm đạo. Khi gặp kinh nguyệt, tampon sẽ nhanh chóng nở ra và có vị trí cố định ở trong âm đạo. Khi cần thay tampon, bạn chỉ cần kéo đầu dây ở ngoài âm đạo nhẹ nhàng để lấy tampon ra.
Tampon bị tuột sâu vào trong âm đạo chỉ có thể xảy ra khi bạn để dây tampon ở bên trong hoặc quan hệ tình dục mà quên không bỏ tampon ra trước đó.
3. Tampon gây ung thư
Sự thực: Hiện tại, không có bằng chứng khoa học xác thực nào chứng tỏ tampon có thể gây ra ung thư.
4. Tampon gây ra hội chứng sốc độc
Sự thực: Hội chứng sốc độc thường xảy ra do một loại vi khuẩn có tên Staphylococcus Aureus và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, hội chứng này rất hiếm gặp và chỉ bị gây ra khi tampon bị “bỏ quên” trong âm đạo quá 8 tiếng.
5. Tampon gây ra nhiều loại viêm nhiễm
Sự thực: Tampon an toàn và không gây viêm nhiễm nếu bạn thay chúng thường xuyên và giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Nói theo cách khác, vệ sinh đúng cách trong chu kỳ kinh nguyệt và cả ngày thường giúp hạn chế tối đa nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa. Nếu bạn bị bệnh phụ khoa, nguyên nhân đầu tiên là do vệ sinh âm đạo không đúng cách, chứ không phải do dùng tampon.
6. Tampon gây khó chịu và bất tiện
Sự thực: Bạn có thể lo lắng khi đưa tampon vào âm đạo, nhưng hãy nhớ rằng âm đạo có thể chịu đựng được sức chèn ép của dương vật, và vậy chiếc tampon nhỏ bé thì chỉ là chuyện nhỏ. Nếu bạn cảm thấy khó chịu, đó chỉ là cảm giác ban đầu khi bắt đầu dùng tampon. Tampon có khả năng thấm hút tốt, nếu bạn lo lắng kinh nguyệt ra nhiều và bị chảy ra ngoài, hãy thay tampon thường xuyên hơn, đặc biệt trong những ngày đầu.
7. Bạn không thể dùng tampon khi ở dưới nước
Sự thực: Bạn có biết rằng các vận động viên bơi lội chuyên nghiệp thường sử dụng tampon không? Nếu những người hoạt động liên tục ở dưới nước tin dùng tampon thay cho băng vệ sinh, bạn cũng có thể yên tâm sử dụng tampon khi tắm biển trong ngày đèn đỏ.
Nguyễn Mai – Nguồn: THS
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.