Ẩn sâu trong lòng Hà Nội tráng lệ và tấp nập là sự hiện diện của những ngôi nhà kiến trúc đơn sơ, giản dị gắn liền với lịch sử kháng chiến của dân tộc. Là một vị khách du lịch, hay chỉ đơn giản là người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, bạn hãy một lần ghé qua những ngôi nhà mang dấu ấn cách mạng này nhé!
-
1
Nhà số 5D Hàm Long
Đây là di tích gắn liền với dấu mốc lịch sử quan trọng thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Cuối tháng 3 năm 1929, những người tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội là các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung … đã họp tại số nhà 5D phố Hàm Long để thành lập Chi bộ Cộng sản. Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam được thành lập ở Hà Nội là một thắng lợi quan trọng của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với tư tưởng phi vô sản và các xu hướng quốc gia khác.
Ngôi nhà 5D Hàm Long có 1 tầng, mái lợp ngói ta, một bên giáp nhà số 5C, một bên là ngõ nhỏ ăn sang phố Lê Văn Hưu. Chính địa thế này đã giúp cho các đồng chí của Đảng an toàn. Căn nhà 5D hiện được giữ làm nhà trưng bày của Bảo tàng Hà Nội, các đồ đạc bày biện trong nhà còn lại gần như xưa. Diện tích và mặt bằng vẫn được giữ nguyên.
-
2
Nhà số 90 Thợ Nhuộm
Đât là nơi đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam viết Dự thảo “Luận cương chính trị”. Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm trước đây là nhà riêng của một công chức Phủ Toàn quyền tên là Đuyô. Năm 1930, Trần Phú từ Liên Xô về nước đã được bố trí ở tại tầng hầm cùng với nơi ở của những người phục vụ trong nhà. Chính tại đây, Trần Phú đã dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Với văn kiện này, công nhân và nhân dân Việt Nam đã có một Cương lĩnh cách mạng phản ánh đúng quy luật khách quan của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của lịch sử.
Ngay từ năm 1960, trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Thành ủy – Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã coi ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm là một trong những di tích quan trọng trong hệ thống các di tích cách mạng như 5D Hàm Long, 48 Hàng Ngang. Năm 1980, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tới thăm và cắt băng khánh thành bức tượng đồng chí Trần Phú. Bức tượng bán thân bằng đồng đặt tại vườn hoa phía sân trong của ngôi nhà. Hiện nay, tầng hầm đó được xếp đặt đúng như thời kỳ Tổng bí thư Trần Phú làm việc tại đây. Địa chỉ 90 phố Thợ Nhuộm đã trở thành Nhà lưu niệm.
-
3
Nhà sàn Bác Hồ
Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường hẹp trải sỏi, hai bên trồng xoài dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn bình dị, nằm giữa những vòm cây. Đó là ngôi nhà Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 17-5-1958 cho tới khi Người qua đời. Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tầng trên là hai phòng nhỏ, nơi Bác làm việc và phòng ngủ với những vật dụng đơn sơ giản dị. Trước nhà là ao cá Bác nuôi, bên bờ ao là các loài hoa phong lan nở quanh năm.Sau nhà là vườn quả với hàng trăm loài cây quý do các địa phương đưa về trồng, như cây vú sữa của đồng bào miền nam gửi biếu Bác năm 1954, bưởi Phúc Trạch, Biên Hòa, Mê Linh; cam Hải Hưng, Xuân Mai, Vân Du, Xã Đoài; quýt Hương Cần, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ; song mai Đông Mỹ; hồng Tiên Điền (quê hương nhà thơ Nguyễn Du). Trong vườn còn có cả những loại cây từ nước ngoài như ngân hoa, cây bụt mọc quanh ao, cây cau vua gốc từ Caribê.