Những người mẹ có quá ít lòng tin

Những người mẹ có quá ít lòng tin

Có lẽ chưa bao giờ chuyện nuôi dạy, chăm sóc con cái lại trở nên dễ dàng như bây giờ, và cũng chưa bao giờ chúng trở nên “rắc rối” đến mức khiến chúng ta luôn phải lo lắng, e dè rồi “kéo” những đứa trẻ của mình nép dần vào cái thế giới mỗi ngày một chật hẹp hơn. Ở thế giới ấy, bọn trẻ phải học cách sợ hãi, học cách nghi ngờ, học cách nhìn nhận mọi thứ có phần “u ám” như cha mẹ mình.

Trong thế giới ấy, sữa bò, sữa dê hay sữa công thức được coi như “kẻ thù” của tụi nhỏ, chỉ có sữa mẹ mới tốt cho con; và những người mẹ vì lý do nào đó không thể cho con bú mẹ được ít nhất 6 tháng bị coi như… tội đồ; những mẹ hết cữ 6 tháng phải đi làm, dần thay sữa công thức cho con thì bị chê bai đủ kiểu. Rồi thực phẩm biến đổi gen, rồi những loại nước ngọt nhiều đường góp phần… “giết chết” hay phá hỏng cả một thế hệ tương lai. Có những người mẹ ngày đêm sôi sục “share” cả tá hình ảnh, clip về sữa nhái, về tác hại kinh hoàng của thực phẩm biến đổi gen; họ truyền tai, “truyền click” đến thuộc lòng những câu chuyện nghe rất thuyết phục về một bà mẹ mang thai uống nhiều loại nước ngọt X. nọ, để rồi sau khi ra đời đứa trẻ bị ảnh hưởng ra sao, người mẹ đã mất con như thế nào,… Chưa hết, họ bắt đầu than thở về “xã hội”, lên án ngành giáo dục, chửi rủa những chính sách khiến con cái họ “thui chột, nhồi nhét vào đầu bọn trẻ về một nền giáo dục “thối nát”, chậm tiến, không phát triển,… để họ phải tìm mọi cách “đẩy” con ra nước ngoài du học để hưởng thụ nền văn minh, tiên tiến; hay chí ít cũng “tống” chúng vào được một trường quốc tế nào đó để bọn trẻ được “mở mang”,…

Những người mẹ có quá ít lòng tin

Nhìn những “share”, những “post” đầy màu sắc… u ám đó, có ai cảm thấy cuộc sống dường như đã quá… nặng nề?

Tất nhiên, những “sữa bò, sữa dê, sữa công thức” không và chưa bao giờ tốt như sữa mẹ; nhưng chúng có nên bị “ghẻ lạnh, hắt hủi” như những thứ “rác rưởi” bởi: “lũ bò bị tiêm hoóc-môn, bị tiêm kháng sinh, bị bệnh này bệnh nọ, cho con uống để mắc bệnh, chậm lớn, để dậy thì sớm à? Tẩy chay! Sữa công thức cũng chỉ là “hàng nhái” sữa mẹ mà thôi, các nước tiên tiến người ta không dùng nữa…” – Vậy thì những người mẹ thiếu sữa, mất sữa, những người mẹ phải điều trị bằng thuốc không thể cho con bú thì sao? Những người mẹ hết kì nghỉ phải đi làm xa, phải cai sữa khi con vừa qua 6 tháng thì cho con bú bằng cách nào nếu không có sữa bò, sữa dê hay sữa công thức? Và có phải tất cả bò, cừu, dê,… đều “được” tiêm hoóc-mon, đều là những con vật mang bệnh truyền nhiễm? Trong khi ngay cả những người mẹ đâu phải ai cũng khỏe mạnh hoàn toàn?

Rồi phải chăng tất cả các loại rau củ, quả hạt, thịt thà đều là những thứ biến đổi gen mà chỉ cần ăn chúng con sẽ ốm yếu, sẽ dậy thì sớm,… nên nếu không kiểm soát được thì… cho con nhịn? Và có bao nhiêu đứa trẻ bị mất một phần tuổi thơ của mình khi thiếu đi những chè, những kem mát lạnh chỉ vì “mày muốn nạp cả mớ đường vào rồi béo chết à?”; những bữa cơm “khoa học” nhưng cứng nhắc theo một thực đơn bài bản liệu có khiến bọn trẻ hứng thú trong suốt những ngày còn bé?

Những người mẹ có quá ít lòng tin

Tất cả những khắt khe ấy, phải chăng vì ta đang cố gắng bảo vệ con, giữ an toàn cho con hay thực chất chỉ là những người mẹ ít niềm tin quá?

Bởi vì, cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định những con bò bị tiêm hooc-mon sẽ cho ra sữa gây hại tới trẻ; thực tế, lượng hooc-mon trong sữa rất ít và đã gần như bị “tiêu diệt” trong quá trình tiệt trùng, chế biến. Và thực phẩm biến đổi gen không “nhan nhản” quanh ta nhiều đến thế, chúng chỉ được dùng làm thức ăn cho gia súc hay nguyên liệu công nghiệp; nếu có trong thức ăn thì chỉ với tỉ lệ rất nhỏ ở dạng chiết xuất, cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh chúng khiến những đứa trẻ bị dậy thì sớm hay làm gia tăng bệnh ung thư….

Và thực tế, những clip được share tràn lan trên mạng, những câu chuyện không nguồn gốc kia hoàn toàn có thể dựng lên một cách đơn giản vì mục đích nào đó. Bởi sự thật là khoa học chưa tiên tiến đến mức có thể xác định nguyên nhân một đứa trẻ tử vong do mẹ nó lúc mang thai đã uống nhiều… nước ngọt! Thật nực cười, nhưng tại sao những thứ rất mơ hồ, tiêu cực như vậy lại khiến mẹ tin tưởng tuyệt đối, và chia sẻ nhiệt tình, trong khi chẳng ai chịu nhìn vào mặt tích cực của những rắc rối khiến chúng ta lo lắng hàng ngày? Tại sao cứ nghe “người ta” nói cái này, cái kia không tốt là cấm tiệt con ăn, là phải tránh xa, phải ghê sợ ngay lập tức mà không cân nhắc thực hư hay học cách chấp nhận chọn lọc và cải thiện tình hình? Nếu cứ sống theo “tin đồn” như thế liệu quanh ta còn thứ gì là tốt đẹp?

Những người mẹ có quá ít lòng tin

Tất nhiên, cải thiện ở đây không phải theo hướng “cực đoan” kiểu: phải cho con ra nước ngoài du học, phải tự làm “vườn-ao-chuồng” tại nhà, phải cấm cản bọn trẻ không ăn uống bất cứ thứ gì ngoài những thức ăn mẹ đặt lên mâm,… Khoa học phát triển là để phục vụ cuộc sống, cải thiện cuộc sống chứ không phải quay trở về thời kì “tự sản tự tiêu” như rất nhiều năm trước; thử nghĩ xem chúng ta sẽ trồng rau, nuôi cá, nuôi vịt gà thế nào trong những ngôi nhà thành phố chật hẹp? Không chỉ là vấn đề không gian, thời gian, ngay cả khi chúng ta “bê” được cả cái mô hình vườn ao chuồng ấy về nhà thành công đi chăng nữa thì không lẽ cả năm cả tháng chỉ cho con ăn vài ba loại rau tự trồng đó sao?

Vì vậy, đừng nên dành cả ngày để lo lắng, than vãn hãy lục lọi những gì xấu xí để “share” tứ tung. Cuộc sống vốn dĩ đã nặng nề rồi, và bằng những cách như vậy cũng chẳng khiến nó tốt đẹp nên bao nhiêu. Điều lớn nhất có lẽ là khiến bọn trẻ trở nên nghi ngờ, oán trách, mất niềm tin; khiến chúng hoang mang trong thế giới chật hẹp cha mẹ tạo ra nhưng không biết làm thế nào để cải thiện cho tốt đẹp hơn.

Những người mẹ có quá ít lòng tin

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.