Loài động vật lớn nhất trong họ mèo đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng bởi nhu cầu đối với các sản phẩm của hổ tại Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và Mỹ.
Một con hổ tại Ấn Độ. Ảnh: National Geographic.
Theo AFP, các tổ chức bảo vệ môi trường coi năm Canh Dần 2010 là khoảng thời gian quan trọng để truyền tải thông điệp về hổ. Nga đang chuẩn bị một hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn hổ vào tháng 9 tại Vladivostok.
Chỉ còn khoảng 3.200 con hổ đang sống trong tự nhiên trên toàn thế giới, trong đó gần một nửa phân bố tại Ấn Độ. Mới cách đây một thế kỷ, số lượng hổ vẫn còn khoảng 100.000 con. Nhưng chúng đang biến mất nhanh chóng bởi nhu cầu về xương, da và các sản phẩm khác từ hổ tại Trung Quốc, Việt Nam, Lào. Người ta dùng các sản phẩm đó để nấu cao và làm thuốc.
Nhưng các tổ chức bảo vệ môi trường nói rằng vấn đề không chỉ nằm tại châu Á. Họ còn bày tỏ sự lo ngại đối với Mỹ – nơi hơn 5.000 con hổ đang được nuôi nhốt để làm cảnh trong nhà dân hoặc phục vụ khách tham quan trong vườn thú.
Crawford Allan, giám đốc phụ trách các hoạt động của tổ chức Traffic tại khu vực Bắc Mỹ, nói rằng các chủ trang trại tự phối giống hổ để bán cho dân và vườn thú. Đây là kết quả của một cuộc điều tra mới được tiến hành gần đây. Allan cảnh báo rằng một số nhà hàng tại Mỹ đã bán thịt hổ.
“Nước Mỹ cần phải hành động. Một số bang trên lãnh thổ Mỹ hầu như không biết hổ được nuôi nhốt ở đâu, có bao nhiêu con và chúng có bị buôn bán hay không”, AFP dẫn lời Allan.
Allan cho biết, 26 bang của Mỹ cấm dân sở hữu hổ. Nhưng 9 bang khác – trong đó có North Carolina, Ohio, South Carolina và Wisconsin – không hề đặt ra bất kỳ quy định nào về việc nuôi nhốt và buôn bán loài động vật này. Texas là bang có số lượng hổ nuôi lớn nhất nước Mỹ. Chính quyền bang đặt ra nhiều quy định về việc sở hữu hổ, song hầu như chẳng làm gì để thực thi những quy định ấy.
Các chuyên gia bảo tồn hoan nghênh những nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn bán hổ của Trung Quốc, nhưng cũng cảnh báo rằng sự tồn tại của những trang trại nuôi hổ tư nhân ở châu Á đang làm tăng nguy cơ đối với chúng.
Giới chức Trung Quốc vừa thông báo nước này có gần 6.000 con hổ nuôi. Các cơ sở nuôi hổ có thể cho chúng sinh sản để tạo ra hơn 1.000 cá thể hổ mới. Đây là một trong những biện pháp nhằm làm tăng số lượng hổ.
Tuy nhiên, giới bảo tồn cho rằng rất nhiều hổ con được sinh ra trong những trang trại bí mật dưới lòng đất để phục vụ các mục đích bất hợp pháp.
“Đây là một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm đối với sự sinh tồn của hổ hoang. Một khi nuôi hổ trở thành một ngành kinh doanh, nó có thể kích thích và duy trì nhu cầu đối với các sản phẩm của hổ trên thị trường”, Keshav Varma, giám đốc dự án Global Tiger Initiative của Ngân hàng Thế giới, nhận xét.
Varma nói rằng sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc và một số nước khác cũng khiến nhu cầu về các sản phẩm của hổ tăng vọt. Người dân muốn mua chúng để nấu cao, ngâm rượu, làm thuốc. Da hổ có thể trở thành nguyên liệu để làm ra những món quà sang trọng mà người ta có thể tặng nhau.
Huang Lixin – lãnh đạo Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc tại thành phố San Francisco, Mỹ – nói rằng các bác sĩ nên cảnh báo bệnh nhân về nguy cơ diệt vong của loài hổ và khuyên họ không nên sử dụng các bộ phận trên cơ thể hổ.
“Tôi nghĩ năm con hổ là cơ hội cực kỳ thuận lợi để gửi thông điệp về bảo tồn hổ tới dư luận Trung Quốc và cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới”, Lixin nói.
Theo VnExpress