Ăn mỳ ăn liền 3 lần/tuần dễ mắc bệnh tim mạch

Theo thống kê hồi đầu năm, thị trường Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về tốc độ tiêu thụ mì ăn liền trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Theo ước tính có khoảng 7 tỷ gói mì được tiêu thụ trong một năm tại Việt Nam. Cũng bởi, mỳ ăn liền là một trong những đồ ăn nhanh gọn, tiện dụng và rẻ đối với người tiêu dùng trong nước. Thậm chí, rất nhiều sinh viên tại các trường đại học ăn mỳ tôm trong suốt cả tháng, cả năm liền.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ cho thấy những người ăn mỳ ăn liền từ 2 đến 3 lần/tuần sẽ có nguy cơ phát triển triệu chứng chuyển hóa tim mạch cao hơn, do đó dễ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường và đột quỵ hơn. Đây là một trong những thông tin mang tính chất cảnh báo lớn đối với nhiều công dân Việt Nam.

Tiến sĩ Huyn Joon Shin, người phụ trách nghiên cứu này tại Bệnh viện Tim mạch Baylor ở Texas, Mỹ, nói thêm rằng các loại mỳ ăn liền và thậm chí cả loại mỳ khô ramen, đặc biệt gây hại cho sức khỏe của phụ nữ.

Ăn mỳ ăn liền 2 -3 lần/tuần sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và đột quỵ

Mỳ ăn liền, cũng giống như nhiều loại thực phẩm chế biến khác, có hàm lượng muối cao và một chế độ ăn uống quá nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.

Giải thích về nguy cơ cao hơn từ mỳ ăn liền đối với sức khỏe của phụ nữ, tiến sĩ Shin nói rằng đó có thể là do những sự khác biệt về mặt sinh học như các hooc-môn giới tính và sự trao đổi chất giữa nam giới và phụ nữ.

Một yếu tố cũng có thể góp phần vào sự khác biệt về giới tính này là một hóa chất gọi là BPA, thường có trong các hộp đựng mỳ ăn liền. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng BPA có tác động tới cách các hooc-môn chuyển tín hiệu đi khắp cơ thể, đặc biệt là hooc-môn nữ oestrogen.

Cách đây không lâu, chuyên gia về dạ dày ruột Braden Kuo ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston, từng phát hiện ra cơ thể chúng ta phải “vật lộn” như thế nào để tiêu hóa những sợi mỳ ăn liền khô, bằng cách sử dụng một chiếc máy quay tí hon để quay lại hoạt động tiêu hóa những sợi mỳ khô ăn liền, so với quá trình tiêu hóa những sợi mỳ tươi. Kết quả là sau khoảng một đến hai tiếng đồng hồ, những sợi mỳ ăn liền trong dạ dày được tiêu hóa ít hơn hẳn so với những sợi mỳ tươi mới làm.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng những phát hiện này sẽ giúp con người có những thói quen ăn uống lành mạnh hơn và hạn chế ăn mỳ tôm liên tục.

Minh Nguyệt
(Theo Dailymail)
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.