Khi tìm tới bác sĩ nam khoa nhờ tư vấn cách chữa xuất tinh sớm, anh Viễn, 43 tuổi, đau khổ lúc nhắc tới việc bị vợ coi thường, chì chiết, thậm chí đánh vì luôn hẫng hụt trong quan hệ chăn gối. “Ngày trước, khi tôi làm quá nhanh, cô ấy chỉ tỏ vẻ bực bội, khó chịu, về sau thì thể hiện bằng lời nói, thậm chí hành động, khi thì chê bai, lúc thì đạp tôi ra khỏi giường, giật gối khỏi đầu tôi ném bỏ, thậm chí tát”, anh Viễn kể.
Anh cho biết, những lúc ở ngoài phòng ngủ, vợ anh cũng hay đá thúng đụng nia rồi nói bóng gió những câu như “anh thì làm được cái gì nên hồn”, hay “có chồng như anh chẳng bằng không”… Theo anh Viễn, cũng vì những điều này mà tình trạng “chưa đi chợ đã hết tiền” của anh ngày càng nặng hơn. Thậm chí, anh còn không còn cảm xúc ái ân và sợ cảm giác nằm cạnh vợ. “Con cái đang tuổi lớn, vợ chồng cũng còn nhiều ràng buộc không thể vì chuyện này mà bỏ nhau nên phải tìm cách chữa cho khỏi càng nhanh càng tốt”, anh nói.
Theo thạc sĩ Lê Công Thiện, khoa tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, hầu như không bệnh nhân nam nào lúc nhập viện, đến khám nói mình bị bạo hành nhưng khi bác sĩ hỏi kỹ thì thấy thực tế không ít người có các biểu hiện trầm cảm, lo âu do bị vợ đánh, chửi, sỉ nhục, cả trong chốn phòng the.
Bà Nguyễn Thị Tâm, giám đốc trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt cho biết, bà từng gặp nhiều trường hợp nam giới bị bạo hành và hai hình thức thường gặp nhất là: Triền miên bị vợ chì chiết, chửi rủa; Bị vợ cấm vận “chuyện ấy” để trừng phạt hay đòi hỏi việc gì đó.
Chuyện của anh Tiến (Đồng Nai) là một điển hình. Là một người đàn ông khỏe mạnh, hơn 30 tuổi, anh Tiến cảm thấy bứt rứt khi cả tháng vợ không cho đụng vào người. “Cô ấy có rất nhiều lý do bắt tôi ‘nhịn’, từ chuyện tôi đi liên hoan về muộn, chậm đưa tiền lương, quên hôm kỷ niệm ngày hai đứa quen hay thậm chí lúc vợ giận mẹ tôi vì chăm con không theo ý mình… Tôi có cảm giác mỗi khi gần vợ như là sự van xin được cô ấy ban phát và đó giống như một nỗi sỉ nhục”, anh Tiến kể.
Theo bà Tâm, chuyện bị vợ “cấm vận” với nam giới còn nặng nề hơn những cái tát. Nó khiến họ bất mãn, tổn thương tinh thần sâu sắc, làm họ có cảm giác thiếu tự tin, nghĩ rằng mình không còn giá trị, không được yêu thương và tôn trọng.
Thực tế, trong quan hệ vợ chồng, tình dục vừa là cách thể hiện tình yêu, vừa là sự gắn bó trách nhiệm giữa hai người, lại giúp cả hai giải tỏa stress, tăng cường sự thấu cảm, chia sẻ với nhau. Nếu một người đóng vai trò phải “xin” và người kia coi đó như một thứ quyền lực mà họ dùng để “cho” khi muốn và cấm vận khi không thích thì quan hệ giữa họ đã mất đi tình nghĩa vợ chồng và rất dễ rạn vỡ.
Bà Vũ Thị Ánh Tuyết, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm (Hà Nội), cho biết, cả nam giới lẫn phụ nữ đều có thể là nạn nhân của bạo hành gia đình, dù tỷ lệ người chồng bị bạo hành thấp hơn người vợ nhiều. Theo bà, khác với phụ nữ – khi bị bạo hành thường im lặng chịu đựng hoặc tìm đến người thân trò chuyện để được chia sẻ, giúp đỡ – nam giới khi chịu sức ép tinh thần có thể gây bạo lực ngược lại với bạn đời hoặc có nhiều hành vi tiêu cực như uống rượu, hút thuốc… Và điều này sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn khiến gia đình càng căng thẳng, bế tắc.
Để tháo gỡ vấn đề, theo các nhà tâm lý, nam giới khi bị vợ bạo hành tinh thần đừng cố giấu trong lòng mà nên chia sẻ (với bạn đời, với người thân hoặc ai đó họ tin tưởng để tìm kiếm sự giúp đỡ). Và dù là giới nào cũng không nên chấp nhận bạo lực: phải nói cho bạn đời hiểu cảm xúc và những gì mình đang suy nghĩ, yêu cầu họ chấm dứt các hành vi xúc phạm hay mang tính thách thức. Ngoài ra, nếu bị vợ cằn nhằn, chỉ trích, các anh không nên đôi co hay uống rượu để xả giận, mà nên bỏ ra một nơi nào đó đợi cả hai bình tĩnh rồi sẽ tiếp tục nói chuyện với nhau. Nếu bị bạc lực thân thể, hãy tìm đến sự giúp đỡ của hàng xóm, chính quyền địa phương, người thân.
Với trường hợp có các vấn đề liên quan tới tình dục, vợ chồng cần thiện chí và cởi mở trò chuyện với nhau. Nam giới cũng đừng ngại ngần thổ lộ với bạn đời khi gặp trục trặc. “Nếu bị vợ chê bai, bạn đừng nổi khùng hay câm lặng, hãy chọn lúc thích hợp để nói cho cô ấy hiểu rằng những câu nói, thái độ của cô ấy khiến bạn tổn thương và không còn động lực để cố gắng cải thiện. Hãy nói về cảm xúc của bản thân trước hành vi của vợ, chứ không chỉ trích lại con người cô ấy”, bà Tâm gợi ý.
Bà cho rằng, sử dụng những lời chì chiết, xúc phạm hay cấm vận chăn gối với chồng là cách nhanh nhất các bà vợ khiến người đàn ông của mình sợ về nhà và muốn buông xuôi mọi trách nhiệm với gia đình. Thay vì vậy, hãy dùng những lời động viên, khuyến khích cho những hành vi tốt của chồng và coi tình dục như một liệu pháp để hai người gắn bó và dễ tìm tiếng nói chung hơn.