Những ông chồng cắn răng chịu ‘đòn’ của vợ

nhung-ong-chong-can-rang-chiu-don-cua-vo

Ông Nam chỉ đến gặp chuyên gia tâm lý khi uất ức lâu ngày đến mức gần như trầm cảm. Một trường hợp khác, tôi nhớ mãi vị khách hàng nam giới 3 năm trước. Anh tên Đỗ Văn Tự, là kỹ sư cơ khí, gốc gác từ một làng quê nghèo, nay đã là giám đốc một công ty làm ăn khấm khá ở Sài Gòn. Anh ngồi kể về nỗi đau suốt 15 năm nay phải chịu sự coi thường của vợ mà chưa bao giờ dám bày tỏ với ai. Điều anh khổ tâm nhất là các con hùa với mẹ, coi bố chẳng ra gì. Anh Tự không dám phản ứng vì sợ uy tín của bố vợ, bởi chức vụ anh có được ngày nay cũng nhờ nhà vợ.

Nhưng vợ anh ngày càng lấn tới và đỉnh điểm là Noel vừa rồi cô vợ sẵn sàng ném vào mặt chồng mọi thứ kể cả… nước bọt. Tiếp xúc với chuyên gia tư vấn, anh suy sụp tinh thần nhưng vẫn không muốn nhờ đến sự can thiệp của bên ngoài mà chỉ muốn giãi bày cho nhẹ lòng.

nhung-ong-chong-can-rang-chiu-don-cua-vo

Một trường hợp khác, tôi gặp cách đây không lâu, cũng là tấn bi kịch của người đàn ông bị vợ ngược đãi. Anh Kiên, 38 tuổi, thợ hồ, đã bị chấn thương cột sống sau tai nạn sập giàn giáo mấy năm trước. Đang là trụ cột kinh tế, anh phải nằm một chỗ, để vợ và ba con nheo nhóc tự bươn trải. Người vợ mới đầu còn chạy chữa, nâng giấc nhưng khi bệnh viện cho về nhà tự điều trị thì chán nản, bỏ mặc anh. Nhiều bữa, chị để chồng tiêu tiểu tại chỗ mà không dọn, nhiều lần chửi mắng đánh đập, bỏ đói chồng. Mấy lần anh tính uống thuốc sâu nhưng nhìn mấy đứa con lại cắn răng sống tiếp.

Theo tài liệu của Viện Khoa học xét xử (Tòa án nhân dân tối cao), năm 2010, trong hơn 10 nghìn vụ ra tòa án hôn nhân và gia đình, có 42% vụ án ly hôn xuất phát từ bạo lực gia đình. Trong đó, tỷ lệ vợ đánh chồng là 0,6%, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ cưỡng ép chồng “trả bài” là 1,6%. Những vụ việc vợ bạo hành chồng gây thương tích nghiêm trọng hoặc tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần chứng tỏ bản năng bạo hành có ở cả hai giới.

Có rất nhiều lý do khiến các ông chồng bị vợ bạo hành. Có đức lang quân phụ thuộc kinh tế nên bị vợ siết chặt chi tiêu, hòng ngăn cản chồng đến với các hoạt động cộng đồng, quan hệ xã hội. Người thì không đáp ứng được nhu cầu chăn gối của vợ bị bà xã thở dài, nặng nhẹ, ra lườm vào nguýt. Người khác lại trót phạm kỷ luật, bị mất uy tín với vợ con nên đành phải cắn răng cải tạo. 

Có ông chồng hiền lành, không có khả năng bon chen ngoài xã hội, phụ thuộc gia thế nhà vợ, bị vợ coi là kẻ vô dụng, sống bám váy đàn bà, nhục lắm nhưng sợ gia đình xào xáo, con cái buồn tủi nên đành nín thinh. Cũng có trường hợp người đàn ông làm chủ tài chính gia đình và thừa khả năng chống lại những ngón đòn của vợ, nhưng vì sĩ diện, không muốn hàng xóm chê cười nhà mình “cơm không lành, canh không ngọt” nên cố đóng cửa bảo nhau.

Có trường hợp, sau ngày đưa nàng về dinh, người chồng mới biết vợ lúc ba máu sáu cơn có thể quăng mọi thứ, lao vào cào cấu, chửi bới xúc phạm chồng… sau đó lại xin lỗi, hứa sửa chữa, chiều chuộng chồng hết mực. Kể cả có mấy mặt con rồi, người vợ vẫn không thuyên giảm tính này, thậm chí có lần còn tuyên bố “triệt sản” chồng nếu dám léng phéng.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp bị vợ đánh đập, chửi mắng nhưng hầu hết nạn nhân đều cố tình che giấu, cho đến khi sự ức chế lên đến mức nghiêm trọng thì người trong cuộc mới dám lên tiếng. Có lẽ một phần do tư tưởng cố hữu cho rằng nam giới bị vợ bạo hành là kẻ “râu quặp”, bạc nhược, không có uy. Số khác lại cho rằng, vì thể chất của đàn ông khỏe hơn phụ nữ nên “không thèm chấp đàn bà”, “sợ vợ mình chứ sợ ai”…

Thực chất, dù là nạn nhân, nhưng việc để vợ bạo hành một phần cũng do lỗi của các ông chồng. Khi lấy phải một cô vợ dễ nổi nóng, ghen cuồng, khi bị đối xử tệ bạc, lẽ ra người chồng phải phân tích thiệt hơn cho vợ hiểu, nếu vẫn không thay đổi thì phản kháng cứng rắn, quyết liệt. Thậm chí, nếu cần, có thể yêu cầu gia đình hai bên, tổ hòa giải, hội phụ nữ giúp đỡ…

Nguồn: Theo Vnexpress.net

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.