“Con có nghe lời không hay muốn ăn roi hả?, “Ăn hết đi rồi mẹ mua nước ngọt cho nhé”… là 2 trong nhiều câu nói thường gặp ở các bậc cha mẹ khi phải đối đầu với sự ương bướng của đứa con bé bỏng. Cha mẹ luôn muốn con cái phải nghe theo lời khuyên của mình để có hành vi cư xử tốt nhất, tuy nhiên không phải ai cũng biết những tác dụng ngược mà những phương pháp sai lầm có thể mang lại cho trẻ nhỏ.
1. Áp bức
Hình thức đầu tiên mà các bậc làm cha mẹ nghĩ đến khi trẻ không nghe lời là sử dụng hình phạt thông qua việc nhẹ thì càu nhàu, quát mắng, nặng thì giận dữ, sử dụng đến đòn roi. Từ những lỗi nhỏ của con như hậu đậu làm rơi bát, không chào hỏi người lớn khi gặp, nghịch nước ướt hết quần áo, vứt đồ chơi ra nhà không dọn hay không chú ý học hành,… đều bị la mắng và phạt nặng để “cho nó chừa, để lần sau biết mà không cư xử như thế nữa”.
Những phương pháp sai lầm bắt trẻ vâng lời
Việc dọa nạt trẻ con có thể khiến trẻ sợ hãi và nghe lời, nhưng lại có tác dụng ngược khác là việc trẻ dần dần không muốn gần gũi với bố mẹ nữa, thậm chí còn dẫn đến hành vi bắt đầu tập nói dối của trẻ, để thoát khỏi những cơn giận dữ của bố mẹ. Nhiều trẻ em khi lớn lên, mang theo sự cáu kỉnh, dễ tức giận của cha mẹ vào cách cư xử của mình với người xung quanh như một cách phản ứng lại với những gì chúng phải trải qua trong tuổi thơ của mình.
2. Tạo khoảng cách
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ phải biết phân biệt người trên người dưới. Tức là cha mẹ là bề trên, trẻ nhỏ là bề dưới. Bề trên nói gì bề dưới phải nghe, giữa bề trên và bề dưới phải có khoảng cách chứ không thể đánh đồng là một. Chính vì suy nghĩ này mà nhiều người không thể gần gũi trò chuyện với con nhỏ, dần dần tạo thành thói quen ở trẻ nhỏ: không muốn tâm sự, gần gũi với bố mẹ, dần dần tạo ra khoảng cách khiến mối quan hệ của bố mẹ – con cái trở nên lạnh nhạt, thiếu sự gắn kết, sẻ chia.
3. Tự mãn
Nhiều ông bố bà mẹ thành đạt ngoài xã hội, khi trở về nhà hay có những hành vi, cử chỉ, lời nói bắt người khác và con cái phải phục tùng, biết ơn những giá trị vật chất họ mang đến cho gia đình. Họ thích tỏ ra là trung tâm của cả nhà, mọi hoạt động phải xoay quanh họ. Từ việc ăn xong phải có người mang tăm đến tận nơi, không chia sẻ công việc gia đình với vợ, cho đến việc hách dịch to tiếng trong nhà khi có điều gì không vừa ý. Những hành vi này rất dễ dàng ngấm vào tâm hồn trẻ thơ và hình thành những tính cách không tốt ở trẻ.
Trẻ cũng thích khoe khoang về bản thân, coi mình là rốn của vũ trụ, coi thường bạn bè có hoàn cảnh kém hơn mình dẫn đến việc trẻ dễ bị cô lập, khó hòa đồng và không thể tìm được những người bạn chơi thân thiết ở trường.
4. Độc đoán
Các ông bố bà mẹ luôn cho rằng “khi bố mẹ nói, con phải nghe lời” mà không để ý đến tâm tư, suy nghĩ của đứa con. Trẻ con thì chỉ là trẻ con với những cái nhìn và suy nghĩ của nó, chứ không phải người lớn để hiểu được tại sao lại được thế này mà không được thế kia. Muốn trẻ nghe lời và hiểu ra vấn đề, cha mẹ cần dành thời gian để nhìn theo cái nhìn của trẻ, qua đó giải thích cho trẻ hiểu việc gì là đúng, cách cư xử nào là hay, những hành động nào trẻ nên tránh. Những hành vi độc đoán của người lớn sẽ chỉ khiến bố mẹ đánh mất đi cơ hội nhận được sự tin tưởng của trẻ. Trẻ em có thể làm theo vì sợ bố mẹ trong khi không hiểu tại sao bố mẹ lại không chấp nhận được điều này hay điều khác. Sự gò ép của cha mẹ sẽ khiến trẻ không thể phát huy sở thích riêng của mình, không có thói quen phát biểu ý kiến, thiếu tính sáng tạo và nhút nhát.
Những phương pháp sai lầm bắt trẻ vâng lời
5. Nhanh chóng đáp ứng khi con ăn vạ
Có nhiều người lớn xót con nên rất dễ dàng thỏa hiệp với những trò mè nheo, ăn vạ của trẻ. Bế con đi rong để ăn nửa bát cháo, bật tivi hàng giờ khi con đòi, làm trò nhảy nhót để mẹ cho con ăn, mua đồ chơi ngay khi trẻ khóc ăn vạ hay làm mình làm mẩy. Những điều này sẽ tạo ra cho các con những thói quen xấu vì trẻ con nhanh chóng nhận thấy bố mẹ sẵn sàng làm những gì để chúng mới nghe lời. Điều này dẫn tới việc trẻ dễ hình thành tâm lý sai khiến người khác, chúng không muốn tự làm gi, chỉ cần ăn vạ là sẽ có người đáp ứng ngay yêu cầu của mình.
6. Mua chuộc con bằng lời hứa, quà cáp
“Con ăn hết bát cơm rồi mẹ cho chơi ipad nhé”, “Chào bác đi nào rồi lát mẹ thưởng cho que kem”… là những chiêu mà nhiều phụ huynh hay sử dụng để dụ dỗ trẻ nhỏ. Cách này tưởng là hay nhưng lại không hay chút nào. Nếu cha mẹ không thực hiện những gì đã hứa thì trẻ sẽ nghĩ là cha mẹ không giữ lời hứa. Nếu thực hiện, về sau, trẻ sẽ hình thành thói quen muốn nó làm gì, phải có điều kiện hay phần thưởng mới được.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.