Diễn viên John Travolta có 2 sân bay ngay trong vườn nhà ở Florida, Mỹ, và làm đường băng cho 7 chiếc máy bay của anh.
Sân bay trong vườn: Ngôi sao Hollywood John Travolta mê bay đến nỗi xây hẳn 2 đường băng tại tư gia ở bang Florida để phục vụ cho bộ sưu tập 7 phi cơ riêng, trong đó gồm một chiếc Boeing 707, một chiếc Boeing 727 và 3 chiếc Gulfstream. Anh có riêng một trung tâm điều khiển bay và nơi ở có phục vụ bữa sáng cho các phi công khi bay muộn hoặc bay sáng sớm.
Sân bay làm bằng băng giá: Đường băng tư nhân Doris Lake Aerodrome tại hồ Doris, Nunavut, Canada hoàn toàn làm từ băng. Sân bay này chỉ mở từ tháng 1-4, và chủ yếu vận hành phục vụ khai thác vàng tại Hope Bay gần đó.
Sân bay trên sa mạc: Vào tháng 8 hàng năm, sân bay ở thành phố Black Rock (Mỹ) được xây dựng trên sa mạc với đường băng dài 3,2km để phục vụ lễ hội Burning Man. Nơi này hoàn toàn không có trung tâm điều khiển. Các phi công liên lạc qua tần số giao thông tư vấn khi hạ cánh. Tất cả dấu vết của sân bay đều biến mất trong cát chỉ vài ngày sau khi sân bay mở cửa.
Sân bay hỏng: Người Pháp cố xây một sân bay bằng bê tông ở trạm nghiên cứu Dumont D’Urville ở Nam Cực hơn 2 thập kỷ trước. Tuy nhiên, khu vực bị một cơn bão tàn phá nghiêm trọng chỉ vài tháng trước khi hoàn thành, khiến một phần sân bay sụp xuống biển.
Sân bay trên đỉnh núi: Đầu năm 2014, một sân bay mới được mở trên đỉnh núi ở thành phố Hechi, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ở độ cao 677m so với mực nước biển. Sân bay chỉ có một nhà ga và một đường băng dài 2,2km chỉ phục vụ cho 3 chuyến bay mỗi giờ, trong khi sân bay bình thường có thể phục vụ tới 60 chuyến mỗi giờ.
Sân bay mở một tháng mỗi năm: Trại băng Barneo của Nga được xây dựng cách Bắc Cực 40,2km, và chỉ tồn tại được một tháng vào tháng 4 hàng năm. Trại phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch thám hiểm. Máy bay phải hạ cánh trên đường băng tạm thời ở gần trại. Đường băng có thể chịu được tải trọng của phi cơ Antonov An-74 có sức chứa 52 hành khách.
Đường băng bên vách núi: Hạ cánh xuống đường băng Matekane ở Lesotho là một trải nghiệm có thể gây đau tim, do có một vách đá cao 600m nằm cuối đường băng. Ngoài ra, Matekane còn nằm ở độ cao 2.286m trên một rãnh núi. Vì vậy cả việc cất cánh và hạ cánh đều chỉ dành cho các phi công dày dặn kinh nghiệm.
Sân bay bí mật: Sân bay Homey là tên chính thức cho các cơ sở không quân bí mật của Air Force One Mỹ, còn được biết đến với tên gọi Khu vực 51. Khu vực cấm này là một phần của khu thử nghiệm quân sự ở Nevada. Do vị trí xa xôi, dân cư thưa thớt, đây là nơi các máy bay bí mật và máy bay không người lái được phát triển và bay thử.
Đường băng trên mặt nước: Sân bay dành cho thủy phi cơ ở Vancouver, Canada là nơi có loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới. Sau khi hạ cánh, du khách đã ở ngay Vancouver, xung quanh là các tòa nhà chọc trời do sân bay nằm tại trung tâm thành phố.
Sân bay ở cực bắc: Teniente R. Marsh ở đảo King George nổi tiếng là sân bay xa nhất ở phía bắc tại châu Nam Cực. Sân bay phục vụ cư dân của làng Villa Las Estrellas và Base Presidente Eduardo Frei Montalva ở gần đó. Mỗi mùa, sân bay phục vụ 150 chuyến bay xuyên lục địa.
Sân bay trên băng trôi: McMurdo Station lần đầu được xây dựng trên bán đảo Hut Point, đảo Ross ở Nam Cực 60 năm trước đây. Ở đây có nhiều sân bay, trong đó Willy Field là sân bay duy nhất hoạt động quanh năm ngay cả khi băng trôi bị tan. Máy bay muốn hạ cánh ở đây phải có gắn thiết bị trượt tuyết để đậu được trên băng và tuyết.
Sân bay cao nhất thế giới: Ở độ cao 5.064m so với mực nước biển, sân bay Daulat Beg Oldi ở Ladakh, Ấn Độ gây thách thức với các phi công với các trận cuồng phong xảy ra thường xuyên.
Đường băng dành cho tù nhân: Trung tâm chuyển giao liên bang ở thành phố Oklahoma (Mỹ) có các chuyến bay trực tiếp đến cửa trại giam để nhận và trả tù nhân. Cổng trại giam được xây nối với sân bay Will Rogers, nơi phục vụ cả những chuyến bay thương mại.
Đường băng trắc trở nhất: Đường băng được mở ở làng Tsinga, Western New Guinea năm 2011. Đường băng rất hẹp, nằm trên một sườn núi ở độ cao 1.981m, cây cối mọc ở hai bên.