1. Nước cam đóng hộp
Cam là một trái cây phổ biến và cũng không thuộc nhóm thực vật khó trồng, vì vậy, có thể bạn sẽ thấy việc các nhà sản xuất phải làm nước cam “giả mạo” là chuyện hoang đường. Đáng tiếc, đó lại là sự thật. Trên thực tế, nước cam là một trong số những sản phẩm đứng đầu trong danh sách nghi ngờ có pha lẫn tạp chất. FFD (Food Fraud Database: Cơ sở Dữ liệu về Gian lận Thực phẩm Mỹ) đã tiết lộ một trong những thông tin gây sốc nhất rằng, trên thị trường có nhiều loại “nước cam” nhưng không hề chứa cam nguyên chất mà chỉ là một hỗn hợp bao gồm: củ cải đường, đường ngô, bột ngọt, vitamin C, Kali Sulfat (K2SO4), bột cam, siro cam và một số phụ phẩm được sản xuất từ hệ thống chưng cất nước.
2. Mật ong
Mật ong giả đã trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi trong mấy năm gần đây sau một vụ tai tiếng ở Trung Quốc. Nhiều công ty sản xuất mật ong ở nước này đã pha thêm Chloramphenicol (một loại kháng sinh bị cấm dùng trong thực phẩm) vào mật ong để kiếm lời được nhiều hơn. Cuộc điều tra sau đó ở Mỹ cho thấy 1/3 số mật ong giả nhập khẩu vào nước này từ châu Á có chứa các chất kháng sinh nguy hiểm và chì.
Trên thực tế, sản phẩm thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng này là một trong những loại thực phẩm bị giả mạo phổ biến nhất, chiếm 7% trong các trường hợp gian lận thực phẩm. Năm ngoái, tờ Food Safety News đã tiến hành một cuộc kiểm tra và phát hiện ra có tới 75% mật ong trên thị trường Mỹ không chứa hạt phấn hoa. Đây không phải là bằng chứng chứng minh mật ong giả nhưng là thử thách khiến các nhà quản lý an toàn thực phẩm khó kiểm tra được nguồn gốc thực sự của sản phẩm.
FFD đã công bố một loạt các thành phần không phải là mật ong nhưng lại có mặt trong chai dán nhãn “mật ong nguyên chất” là: siro đường mía, siro đường, siro ngô, mạch nha vi sinh, củ cải đường và một số các chất làm ngọt không xác thực khác.
3. Dầu truýp (dầu nấm truffle)
Loại dầu nấm được biết tới như một trong những thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới này cũng đứng hàng đầu trong danh sách thường xuyên bị làm giả.
Dầu truýp thường được sử dụng để làm pizza, mì ống, salad… và được nhiều người yêu thích vì hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, hầu hết các loại “dầu truýp” bán ra trên thị trường không phải được làm từ nấm truýp mà là từ… dầu ô liu trộn với một vài gia vị nhân tạo khác. Các nhà sản xuất sản phẩm “giả mạo” này thường ghi trong mục thành phần sản phẩm là “có hương vị truýp” hoặc “có tinh chất truýp” để đánh lừa người tiêu dùng. Trên thực tế, đó không phải là cách ghi thành phần được USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) chấp nhận trong phần cung cấp thông tin về thực phẩm.
4. Quả Việt Quất
Việt Quất cũng như nhiều loại quả mọng khác là loại sản phẩm thường xuyên bị làm giả trong công nghệ sản xuất thực phẩm. Bạn có thể thấy hàng loạt sản phẩm kẹo, bánh, nước trái cây… có chứa từ ngữ hoặc hình ảnh cho thấy thành phần có chứa việt quất tươi nhưng thực sự không phải vậy.
CWC (Trung tâm Sức khỏe Người tiêu dùng Mỹ) cho biết, thành phần “quả việt quất” trong một số sản phẩm nổi tiếng thực ra chỉ là hỗn hợp đường, siro ngô, tinh bột, dầu chưa bão hòa, hương liệu nhân tạo và thuốc nhuộm thực phẩm.
Nếu bạn thấy các loại ngũ cốc, bánh mỳ, bánh nướng xốp và các loại thực phẩm khác quảng cáo là có chứa việt quất, hãy cẩn thận kiểm tra mục thành phần sản phẩm để chắc chắn là mình không bị “qua mặt”. Bạn cũng nên lưu ý, nếu trong mục thành phần có ghi: “thuốc nhuộm thực phẩm nhân tạo màu xanh số 2 và đỏ số 40″ thì nhiều khả năng “việt quất giả mạo” đang được sử dụng ở đây.
5. Sữa
Sữa giả đang được bán như sữa thật? Nghe có vẻ không thể tin được, nhưng đúng là như vậy. Sữa là một trong những thực phẩm bị pha trộn tạp chất nhiều nhất hiện nay. Theo kết quả nghiên cứu của FFD, trong nhiều loại sữa phổ biến trên thị trường có chứa các chất nguy hiểm như: melamine, thành phần từ động vật không xác thực, phóc môn, u rê, ôxy già, dầu máy, xút vảy, tinh bột, nước không uống được, mỡ bò và mỡ lợn.
6. Nghệ tây
Vì là loại gia vị có vẻ đẹp hiếm có và giá cả đắt đỏ, nghệ tây là một trong những thực phẩm thường xuyên bị làm giả nhất. Theo FFD, các nhà sản xuất thường giả mạo nghệ tây bằng một hỗn hợp “sáng tạo”, bao gồm: cúc vạn thọ, cúc quỳ, cây nghệ, râu ngô, cánh hoa anh túc, hành thiu, thạch cao, phấn, tinh bột, hàn the, Glyxerin, Tartrazine, Bari Sulfat, thuốc nhuộm gỗ đàn hương, cỏ màu, sợi tơ nhuộm màu đỏ.
7. Dầu ô liu
Các nhà nghiên cứu cho rằng dầu ô liu là thực phẩm dễ dàng bị làm giả nhất. Hầu hết dầu ô liu trên thị trường có chất lượng không tương xứng với những gì được ghi bên ngoài bao bì. Dầu ô liu thường được pha loãng với các loại dầu giả như dầu hạt dẻ, dầu ngô, dầu hướng dương, dầu lạc, dầu thực vật, dầu đậu tương, dầu cọ và dầu hồ đào, thậm chí có thể chứa mỡ lợn.
Trong số ít trường hợp khác, các loại dầu không màu sẽ được trộn vào dầu ô liu thật để giúp sản phẩm vượt qua “cửa ải” kiểm định sản phẩm. Trong năm 1981, hơn 600 người Tây Ban Nha đã bị ngộ độc sau khi ăn “dầu ô liu” mà thực ra là dầu hạt nho công nghiệp.
8. Nước ép lựu
Mùi vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt và chứa chất chống ô xy hóa là những lý do giúp nước ép lựu chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng và cũng là lý do khiến loại nước này thường xuyên bị làm giả. Trước đây, các cuộc điều tra đã phát hiện ra “nước ép lựu nguyên chất” có chứa nước ép nho hoặc nước ép lê, đường, và siro ngô. Hiện nay, đã có loại “nước ép lựu nguyên chất” mà không hề chứa một chút lựu thật nào trong đó.
9. Cà phê
Nếu bạn mua hạt cà phê và tự xay chúng ở nhà, bạn sẽ không còn nỗi lo uống phải loại cà phê chứa đầy những tạp chất khó tin như: cành cây khô, vỏ cà phê, bắp rang, lúa mạch rang, đậu nành rang, bột rễ rau diếp xoăn, bột lúa mạch đen, bột khoai tây, đường cháy, caramel, quả sung, hạt bí đỏ, glucose, bột maltodextrins, tinh bột và lớp vỏ rang.
Trên thực tế, rất nhiều cà phê “dỏm” chứa những tạp chất trên đang được bán trên thị trường và vẫn có người tiêu thụ mỗi ngày vì giá thành rẻ.
Bài học rút ra từ những câu chuyện trên là gì? Bạn không cần phải sợ và hãi tránh né hết các loại thực phẩm vừa nêu, nhưng hãy học cách mua sắm thông minh và cẩn trọng hơn. Hãy mua thực phẩm trực tiếp từ nông trại nếu có thể, đừng phụ thuộc quá nhiều vào các siêu thị quy mô lớn với những dãy hàng hóa đủ màu sắc bắt mắt. Đồng thời, hãy đọc kỹ mục thành phần sản phẩm (kể cả sản phẩm từ các nhãn hiệu nổi tiếng), học cách phân biệt thành phần nào là tốt và không tốt, thành phần nào là “lập lờ đánh lận con đen”. Cuối cùng là đừng ham rẻ. Hẳn bạn đã quá quen thuộc với câu “tiền nào của đó”, đừng mua một lọ “mật ong” rẻ gấp 3 lần giá bình thường vì rất có thể bạn chỉ được uống mật mía trong chai đựng mật ong mà thôi.
Nguồn: Theo Mnn.com
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.