Dưới đây là nguồn gốc của một số tập tục cưới nổi tiếng ở phương Tây vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay:
1. Nhẫn cưới đeo ở ngón áp út
Sở dĩ ngón áp út còn được gọi là “ngón đeo nhẫn” là vì người xưa cho rằng có một tĩnh mạch ở ngón tay này chạy thẳng đến tim. Theo đó, ngón áp út được mặc định là ngón gắn liền với tình yêu và cảm xúc. Đeo nhẫn ở ngón áp út cũng giống như “trói buộc” tình yêu của người kia vậy.
2. Váy cưới màu trắng
Nữ hoàng Victoria trong hôn lễ vào năm 1840.
Nữ hoàng Victoria – Nữ hoàng Ấn Độ đầu tiên của Đế chế Anh được cho là người khởi xướng xu hướng mặc váy cưới màu trắng ở phương Tây. Trước đám cưới của bà vào năm 1840, các cô dâu phương Tây chỉ đơn giản là mặc trang phục đẹp nhất của họ (bất kể màu gì) trong đám cưới.
3. Phù dâu mặc váy giống cô dâu
Nếu các phù dâu băn khoăn vì có trang phục na ná giống cô dâu, hãy nói với họ rằng họ đang mang lại may mắn cho cặp vợ chồng trẻ.Truyền thống này bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại. Người thời đó tin rằng trong ngày cưới, ma quỷ sẽ tìm đến đám cưới để nguyền rủa cô dâu và chú rể. Vì vậy, các phù dâu được yêu cầu mặc giống với cô dâu để khiến linh hồn ác bối rối và phải từ bỏ ý định xấu của mình. Về sau, truyền thống này chỉ còn ý nghĩa đơn thuần là mang lại may mắn.
4. Cô dâu mang mạng che mặt
Cũng với mục đích ngăn chặn ma quỷ, người La Mã và Hy Lạp cổ đại cho rằng cô dâu phải mang mạng che mặt để linh hồn ác không thể nhận ra. Chỉ khi cô dâu đã đứng bên chú rể – người bảo vệ cô thì mạng che mặt mới được nâng lên.
5. “Một chút cũ, một chút mới, một chút được mượn, một chút màu xanh”
Câu vè: “Một chút cũ, một chút mới, một chút được mượn, một chút màu xanh” đã xuất hiện từ rất lâu trong văn hóa nước Anh. Theo tục lệ, các cô dâu trước khi về nhà chồng đều phải có đầy đủ những thứ được nêu trong câu vè trên.
“Một chút cũ” đại diện cho sự tiếp nối, chảy trôi không ngừng; “một chút mới” đại diện cho tương lai tươi sáng; “một chút được mượn” đại diện cho hạnh phúc lan truyền; “một chút màu xanh” đại diện cho sự thanh khiết, tình yêu và lòng chung thủy.
6. Cắt bánh cưới
Truyền thống cắt bánh cưới cũng xuất phát từ La Mã cổ đại. Lúc ban đầu, người ta thường bẻ một ổ bánh mì trên đầu cô dâu để cầu cho khả năng sinh sản. Về sau, phong tục này dần chuyển thành cắt bánh kem và cặp tân nương – tân lang sẽ thực hiện cùng nhau để thể hiện sự đoàn kết, gắn bó.
7. Thành ngữ “Tying the knot: thắt nút”
Trong tiếng Anh hiện đại, cụm từ “tying the knot – thắt nút” được hiểu là kết hôn. Trong lễ cưới của nhiều nền văn hóa trên thế giới, bao gồm Celtic, Ấn Độ và Ai Cập, bàn tay của cô dâu và chú rể phải siết chặt lấy nhau theo nghĩa đen để thể hiện sự cam kết. Từ “thắt nút” vốn được dùng để mô tả hành động này rồi dần mang nghĩa đám cưới nói chung.
8. Chú rể bế cô dâu vào nhà
Trong đám cưới truyền thống ở nhiều nước phương Tây, chú rể sẽ phải bế cô dâu bước qua ngưỡng cửa nhà mình. Sở dĩ có tập tục này là vì người ta tin rằng, nếu cô dâu đi dưới đất thì sẽ bị ma quỷ bắt mất.
9. Đám cưới tháng 6
Tháng 6 luôn được coi là “tháng cưới” ở nhiều nước phương Tây và xu hướng này không phải tự dưng mà có. Người xưa thường tổ chức đám cưới vào tháng 6 để tôn vinh nữ thần Juno – nữ thần của hôn nhân và sinh nở. Ngoài ra, nếu tổ chức đám cưới vào tháng 6 thì cô dâu sẽ kịp tham gia vào vụ thu hoạch với gia đình chồng. Nếu cô dâu có thai ngay sau đám cưới thì vụ thu hoạch năm sau cô cũng đã sinh nở xong và đã đủ sức để quay lại với công việc.
10. Tuần trăng mật
Trong thời kỳ cổ đại, tuần trăng mật không xa hoa và tốn kém như ngày nay. Sau đám cưới, cô dâu và chú rể sẽ tạm lánh đi đâu đó chỉ có riêng hai người với nhau. Người nhà sẽ mang tới cho họ một chai rượu mật ong đủ uống trong 30 ngày – một kỳ trăng. Ở thời cổ đại, mật ong rất quý và được tin là có thể làm tăng cảm xúc yêu đương. Tập tục này cũng là nguồn gốc của cái tên “tuần trăng mật”.
Nguồn: Theo Brides.com
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.