Nha Đam là một cây loại xương rồng mọng nước, thuộc họ Liliaceae. Nó được biết đến rộng rãi như là một loại “cây thần kỳ” cho các mục đích: y học, mỹ phẩm và thực phẩm. Gel nha đam là một chất trơn được chiết xuất từ bên trong lá nha đam, phần được sử dụng nhiều nhất trong toàn bộ cây. Nhưng việc dùng gel nha đam quá nhiều cũng gây nên các tác dụng phụ không mong muốn.
1. Gel nha đam có chứa một chất gọi là Anthraquinone. Chất này hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng, có thể gây tiêu chảy nếu bạn dùng nha đam với số lượng lớn. Người bị tiêu chảy có thể bị đau bụng, chuột rút, mất nước, mệt mỏi và nguy hiểm đến tính mạng.
2. Hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nước ép nha đam, đặc biệt là nếu bạn đang điều trị bệnh với các loại thuốc nhất định. Lý do ở đây là nha đam có thể phản ứng với một số loại thuốc và gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Chất nhuận tràng trong nha đam cũng có thể ức chế sự hấp thụ của thuốc trong cơ thể. Nha đam cũng phản ứng với các loại thảo mộc khác như rễ jalap, dầu thầu dầu, gốc và rễ cây đại hoàn, gây mất nước và tiêu chảy. Cỏ ca ri và tỏi cũng không thể tiêu hoá tốt khi dùng chung với nha đam, có thể làm giảm lượng đường trong máu và nồng độ kali trong cơ thể. Vì thế cho dù dùng thuốc Đông y hay Tây y, bạn cũng nên cẩn thận khi dùng chung với nha đam.
3. Nha đam có thể dẫn đến phản ứng dị ứng ở một số người mẫn cảm như phát ban da hoặc nổi mề đay, ngứa hoặc sưng, khó thở, đau ngực và đau họng.
4. Nha đam cũng có chứa chất Latex, một thành phần có thể gây tác dụng xấu cho cơ thể. Latex làm các bệnh như viêm đại tràng, bệnh Crohn, viêm ruột thừa, tắc ruột, bệnh trĩ, đau dạ dày và loét dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, có một số nghiên cứu cho thấy, nha đam không tốt với những người đang có bệnh về gan.
5. Phụ nữ mang thai và cho con bú không được dùng nha đam, do tính kích thích của nó. Nha đam có thể kích thích các cơn co thắt tử cung ở phụ nữ mang thai, dẫn đến sẩy thai và dị tật bẩm sinh. Phụ nữ đang cho con bú cũng nên hạn chế ăn nha đam, vì nó có chứa Anthraquinon có thể dẫn đến tiêu chảy cho cả mẹ và bé. Nha đam cũng không an toàn cho trẻ em dưới 12 tuổi.
6. Những người bị hội chứng ruột kích thích và các vấn đề tiêu hóa, không nên uống nước nha đam, vì nó có chứa lượng lớn chất nhuận tràng, có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
7. Uống quá nhiều nước nha đam có thể gây ra mất nước và mất cân bằng chất điện giải trong cơ thể. Nó cũng thay đổi màu sắc nước tiểu sang màu hồng hoặc màu đỏ.
8. Ăn nhiều nha đam có thể dẫn tới việc cơ thể sản xuất quá nhiều Adrenaline, có hại cho những người bị bệnh tim. Nha đam cũng có thể làm giảm nồng độ kali trong cơ thể, gây rối loạn nhịp tim, suy nhược cơ bắp. Do đó, nha đam không nên dùng cho trẻ em và người cao tuổi.
9. Nha đam giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách giảm kháng Insulin trong cơ thể. Vì vậy, những người đang điều trị chứng hạ đường huyết hoặc bệnh tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nha đam.
10. Uống nhiều nha đam có thể gây ra máu tích tụ trong xương chậu, dẫn đến tổn thương thận.
Tuy nha đam có khá nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, nhưng điều này chỉ xảy ra đối với những người ăn quá nhiều nha đam trong thời gian dài hoặc đang mắc một số bệnh nhất định. Ngoại trừ phụ nữ mang thai và cho con bú, thì một người lớn khỏe mạnh bình thường có thể sử dụng một lượng nha đam vừa phải mà không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nha đam cũng như mọi loại thực phẩm khác, đều gây tác dụng phụ khi dùng quá liều lượng.
Nguồn: Theo Style Craze
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.