Theo Đông y, nguyên nhân phát sinh béo phì liên quan đến tình trạng thấp khí ứ trệ trong cơ thể, do ăn uống hoặc sinh hoạt không đúng cách, làm trở ngại quá trình chuyển hóa mà tích mỡ.
Những thảo dược thông dụng trong điều trị béo phì là: lá sen, sơn tra, ý dĩ, hoa cúc, thảo quyết minh (hạt muồng ngủ), hạ khô thảo, hà thủ ô, hoài sơn (sơn dược, củ mài), câu kỷ tử… Những thực phẩm thông dụng trong điều trị béo phì là: trà xanh, gạo lứt, bắp, bí đao, cần tây, rau má, mướp đắng, tần ô, bông cải xanh, cà tím, bí đỏ, đậu ván, cà rốt, cà chua, dưa leo, rau cải, củ cải, giá đậu, bông bí, bông súng, đậu hủ, trái bơ, thanh long, dưa hấu, ổi, táo tây, táo tàu, nghệ, sả, gừng, hành tây, hành tím, tỏi, ớt, nấm rơm, nấm đông cô, mộc nhĩ, cá chép, cá rô, cá trê…
Lá sen và sơn tra được xem là thảo dược công hiệu nhất trong việc phòng ngừa và chữa trị béo phì.
Theo các công trình nghiên cứu gần đây, thành phần alcaloid của lá sen có tác dụng làm dịu đau, chống co giật, chống dị ứng, giúp làm giảm mỡ trong máu, giảm béo, chống viêm và an thần. Người ta có thể dùng lá sen tươi (ngày một lá) sắc lấy nước, cô đặc lại, hòa với ít đường để uống. Có thể dùng lá sen khô (15-20g) tán bột, uống với nước cơm hoặc hãm nước sôi hay sắc lấy nước để uống trong ngày.
Ngoài ra, một số món ăn có ích cho người béo phì, được chế biến đơn giản từ các loại thảo dược như:
-
1
Cháo lá sen củ mài
* Nguyên liệu: Lá sen 30g, củ mài 20g, gạo tẻ 50g, đường trắng 20g.
* Cách làm: Rửa sạch lá sen, nấu với 200ml nước trong khoảng 15 phút, vớt bỏ xác, giữ nước lại. Củ mài sau khi ngâm một đêm, xắt thành miếng vuông. Gạo vo sạch, để ráo nước.
Cho gạo, củ mài và nước lá sen vào nồi cùng 600ml nước, dùng lửa lớn nấu sôi, đổi lửa nhỏ nấu tiếp 35 phút, thêm ít đường và khuấy đều là được.
* Công dụng: Kiện tỳ, giải thử (giải trúng nắng), giảm béo phì.
-
2
Cháo gạo lứt, rau cần, cải bó xôi
* Nguyên liệu: Gạo lứt 80g, rau cần tây 100g, cải bó xôi 100g.
* Cách làm: Gạo lứt vo sạch. Rau cần tây, cải bó xôi rửa sạch, cắt khúc ngắn. Nấu gạo thành cháo rồi cho hai thứ rau vào, nấu sôi năm phút là được. Ăn nóng lúc đói bụng.
* Công dụng: Món cháo thích hợp cho người béo phì, cao huyết áp, mất ngủ, kèm táo bón, tiểu khó.
-
3
Cháo rau má
* Nguyên liệu: Rau má tươi 100g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 50g.
* Cách làm: Rau má rửa sạch cắt nhỏ. Gạo, đậu xanh vo sạch, cho vào nồi với lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo nhừ, cho tiếp rau má vào, nấu sôi lại vài phút. Ăn nóng lúc đói bụng với ít muối hoặc đường.
* Công dụng: Món này thích hợp với người béo phì, cao huyết áp, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, người bứt rứt, dễ cáu gắt.
-
4
Cháo hoa cúc
* Nguyên liệu: Gạo tẻ 100g, hoa cúc 10-15g.
* Cách làm: Gạo vo sạch, nấu với một lít nước thành cháo nhừ. Hoa cúc rửa sạch, tán nhỏ, cho vào nồi cháo. Đun sôi lại là được. Ăn nóng vào lúc đói bụng.
* Công dụng: Món này thích hợp với người béo phì, cao huyết áp, nhức đầu, hoa mắt, dễ cáu gắt.
-
5
Canh cần tây, thịt heo nạc
* Nguyên liệu: Rau cần tây 100g, thịt heo nạc 100g, nấm hương (nấm đông cô) 20g, tỏi 5g, ít muối.
* Cách làm: Rau cần tây bỏ rễ, chỉ lấy cuống và lá rửa sạch, cắt nhỏ. Nấm hương ngâm nước nóng có chút gừng, sau 20 phút thì rửa sạch, cắt nhỏ. Thịt heo nạc rửa sạch, xắt nhỏ (có thể thay bằng bột đậu xanh), tỏi bóc vỏ, đập giập.
Đun sôi nửa lít nước, cho thịt nạc vào, thịt chín thì cho cần tây, nấm hương, tỏi vào khuấy đều, khi canh sôi lại là được. Ăn nóng lúc đói bụng.
* Công dụng: Món cháo này thích hợp với người béo phì, tăng huyết áp, nhức đầu,mất ngủ.
-
6
Trà rau cần, táo đỏ
* Nguyên liệu: Trà xanh 3g, rau cần tây 150g, táo đỏ hai trái.
* Cách làm: Rau cần tây rửa sạch cắt nhỏ. Táo đỏ rửa sạch, bỏ hột. Cho tất cả vào nồi nấu với một lít nước, sắc còn 750ml, uống thay nước trà trong ngày.
Thức uống này thích hợp với người béo phì, tăng huyết áp.