Trẻ sinh thiếu tháng thường có cân nặng thấp hơn nhiều so với các trẻ bình thường, và đồng nghĩa với việc bé có ít mỡ dưới da hơn. Điều này khiến bé dễ dàng bị mất thân nhiệt. Bé cũng dễ bị hạ đường huyết và hạ canxi huyết, những tình trạng có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn. Các bé càng sinh sớm càng dễ bị suy hô hấp vì phổi chưa hoàn thiện, có thể dẫn đến tử vong. Nếu hít thở nồng độ oxy quá cao, các bé sinh non có thể bị xơ hóa võng mạc và mù lòa. Bé cũng đối mặt với nguy cơ bị bệnh vàng da và vàng da nhân não, một biến chứng đe dọa đến tính mạng. Những biến chứng này có thể được phát hiện sớm và xử lý, theo dõi tại bệnh viện.
Ảnh hưởng đến sức khỏe dài hạn
Khi đón trẻ sinh non về nhà, bạn cần phải thấy rằng những nguy cơ vẫn còn đó. Hãy sẵn sàng để giúp đỡ con bất cứ khi nào bé cần đến bạn.
– Vấn đề về thị giác và thính giác: 1 trong 4 bé có cân nặng dưới 1,5kg khi sinh bị suy giảm thính lực. Những bé sơ sinh này cũng dễ mắc phải bệnh võng mạc do sinh non. Các bé cần được khám sàng lọc càng sớm càng tốt và việc chữa trị trong giai đoạn này sẽ đem lại hiệu quả rất cao.
– Vấn đề về tiêu hóa: Các bé sinh non thường chưa thể tự bú mẹ hay bú bình mà được cung cấp dinh dưỡng thông qua một ống gắn ở mũi hay miệng trong vài tuần. Điều này dẫn đến khó khăn kéo dài trong việc cho bé bú hay ăn ở giai đoạn sau đó. Đối với các trường hợp bị viêm ruột hoại tử hay trào ngược dạ dày thực quản, bé cần được điều tri bởi bác sĩ chuyên khoa.
– Vấn đề về hô hấp: Trẻ thiếu tháng dễ bị hen suyễn, viêm thanh quản, viêm phế quản so với trẻ sinh đủ tháng. Một số trẻ bị loạn sản phế quản phổi, dẫn đến việc bé cần được tiếp oxy trong thời gian dài.
– Vấn đề về thần kinh: Một số bé sinh non bị bại não, khiến bé gặp khó khăn trong vận động. Tùy theo mức độ nặng hoặc nhẹ, biến chứng này còn có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức.
Ngoài ra, các bé sinh thiếu tháng cũng rất cần bố mẹ hỗ trợ trong việc học để kịp thời nhận biết nếu bé bị hạn chế trong khả năng tiếp thu và nhận thức.
Phòng tránh sinh non
– Tránh stress và lao động quá sức: Những cố gắng khi làm việc, với cao tay, mang vác, xách nặng, stress… đều có thể làm tăng nguy cơ và dẫn đến sinh non.
– Khám thai định kỳ: Cùng với việc tự chăm sóc, theo dõi thai nhi, việc thăm khám thai và siêu âm định kỳ giúp thai phụ loại bỏ và đề phòng những bất thường thai nghén, kiểm soát được các bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc cao huyết áp có thể gây sinh non. Ngoài ra, bạn cần tuân thủ đúng những chỉ dẫn và không được sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa được bác sĩ tư vấn.
– Tránh hóa chất và chất kích thích: Thuốc, rượu và các chất gây nghiện là nguyên nhân khiến thai nhi chậm phát triển và có thể sinh non. Một số hóa chất trong các loại mỹ phẩm làm đẹp (thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay-chân… ) cũng ảnh hưởng tới thai nhi.
– Cẩn trọng trong sinh hoạt vợ chồng: Sau khoái cảm, các cơn gò tử cung thường xuất hiện. Vì vậy, những tuần lễ đầu và bốn tuần lễ cuối của thai kỳ, vợ chồng nên tránh quan hệ để tránh nguy cơ sinh non. Các bạn cũng không nên xoa bụng hay đụng đầu ti, vì cũng dễ xuất hiện những cơn co.
– Luôn vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Ngoài việc thăm khám thai, bạn cũng cần khám phụ khoa và giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ nhằm tránh bị viêm nhiễm. Nếu để viêm nhiễm, sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thai phụ và sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng ối hoặc các bệnh hậu sản khác.
– Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất và khoa học cùng với việc bổ sung canxi, axit folic, sắt… trong thai kỳ, sẽ giúp bạn phòng tránh hữu hiệu nguy cơ sinh non.
(Tổng hợp từ MB)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.