Những thú tiêu khiển “cực lạ đời” thời chưa có tivi và Internet

Những thú tiêu khiển

Giờ đây mỗi lần nghe thấy hai từ “tiêu khiển”, ta nghĩ ngay đến cảnh một người ngồi thu lu một góc trong phòng, nhàn hạ xem tivi hoặc lướt web. Tuy nhiên, trước khi truyền hình và mạng Internet phát triển rầm rộ như hiện nay, nếu muốn coi cảnh bác sĩ làm phẫu thuật hay chiêm ngưỡng dung nhan người nổi tiếng, người ta phải rất tốn công: phải nhấc mông khỏi ghế, lê xác ra ngoài và thậm chí… bày mưu tính kế. Những cách người ta dùng để giải trí trước khi có tivi sau đây có thể sẽ khiến bạn phải… hết hồn, hoặc chí ít cũng phải tự hỏi vì sao lại thế. 

1. Xem người ta… bơm phồng khinh khí cầu

Các sự kiện liên quan đến khinh khí cầu lúc nào cũng thu hút rất nhiều người đến tham dự, tính ra ở châu Âu thời đó khó kiếm được sự kiện nào lại đông vui, rôm rả hơn. Khinh khí cầu khí nóng không người đầu tiên bay vút lên trời năm 1783, tại Paris, Pháp. Trước đó nhiều ngày, không kể là những công tác chuẩn bị ban đầu hay là bơm phồng khinh khí cầu, dân chúng đã đổ xô đến xem đông như trẩy hội. Đến nỗi, công việc có nguy cơ gặp trở ngại, và vì thế người ta đã phải bí mật di rời khí cầu đi.

Đến ngày cất cánh – tức 27/8/1783, cả ngàn người đã kéo đến Paris chứng kiến, trong đó có cả Benjamin Franklin, Đại sứ Mỹ và triều đình vua Louis XVI. Khi khinh khí cầu hạ xuống tại một ngôi làng cách đó vài dặm, người dân tại đây đã rất hoảng loạn; họ dùng chĩa đâm, lấy đá ném vào khí cầu, phá hủy nó.

Thời chưa có tivi, các sự kiện liên quan đến khinh khí cầu lúc nào lúc nào cũng đông nghẹt.

Rồi khi anh em Montgolfier đưa những sinh vật sống đầu tiên lên khí cầu, đám đông lại ùn ùn kéo, bao gồm cả Nhà vua và Nữ hoàng Marie Antoinette. Khi khí cầu bắt đầu chở người, gần như toàn bộ cư dân Paris kéo đến xem – cỡ 400.000 người, có người còn bỏ những khoản tiền lớn để được vào khu VIP.

Chuyến bay khinh khí cầu đầu tiên tại Anh được bố trí bởi Vincenzo Lunardi, 200.000 người tham dự, bao gồm cả Hoàng tử xứ Wales. Một phụ nữ do quá ngạc nhiên và sợ hãi khi lần đầu nhìn thấy khí cầu đã… lăn ra chết. Sự việc khiến Lunardi bị bỏ tù, nhưng cuối cùng ông được trắng án.

2. Tham dự “rạp giải phẫu” công cộng

Từ thế kỷ 14, nhờ những tiến bộ khoa học, luật lệ của chính phủ và giáo hội lại khá thoáng, việc… mổ xẻ xác người bắt đầu trở nên thịnh hành. Đầu tiên, việc này chỉ được thực hiện trong những phòng hay nhà nhỏ cho một số ít sinh viên y khoa xem. Nhưng sau này, một nhóm người rõ là nhàn rỗi chẳng có việc gì làm và có vẻ cũng khá là bệnh hoạn bắt đầu la ó đòi tham gia sự kiện.

Những “rạp giải phẫu” thiết kế đặc biệt đã được dựng lên một cách có chủ ý tại nhiều thành phố lớn ở châu Âu, có sức chứa cả ngàn người. Vé được bán cho công chúng với đa dạng, thường là dựa trên mức độ “thú vị” của bộ xác.  Khán giả đi xem rất đông nên đến năm 1502, một bác sĩ đề nghị nên thuê thêm vệ sĩ.

Tranh vẽ về thời kỳ này cho thấy khán giả là đàn ông, tuy nhiên, phụ nữ cũng đi xem “rạp giải phẫu”. Năm 1748, ở Dresden, Đức bắt đầu có những khu vực khán đài chỉ dành cho nữ giới. Ở Bologna, Ý, chị em xúng xính váy áo đẹp nhất của mình đến dự sự kiện; buổi tối khi sự kiện kết thúc, dạ vũ hay lễ hội lại diễn ra.

Đến năm 1751 ở Anh, Quốc hội thông quan Luật ám sát, cho phép công khai phẫu thuật tất cả những tội phạm đã bị tử hình. Lượng rạp giải phẫu ngày càng gia tăng, nhưng độ nổi tiếng thì không hề suy giảm. Hàng năm, hàng ngàn người lũ lượt đi xem giải phẫu, cho tới khi sự kiện này bị cấm vào thế kỷ 19.

3. Chụp hình “tự sướng”

Bốt chụp hình hiện đại ra đời nhờ Anatolo Josepho, từng học làm nhiếp ảnh ở châu Âu và học về cơ chế hoạt động của máy ảnh ở Hollywood. Khi chuyển tới New York, ông đã làm ra loại bốt chụp hình giúp tạo ra những bức hình rõ nét và hoàn toàn tự động – khác xa với bốt kiểu cũ. Năm 1925, ông mở một studio tại Broadway.

Khách chụp hình chỉ mất 25 xu, được 8 bức ảnh sau 10 phút. Người nọ rỉ tai người kia, bốt chụp hình ngày càng đắt khách; mỗi ngày phải có đến 7.500 người. Chỉ trong một năm, Josepho giàu lên trông thấy. Ông bán bằng sáng chế với giá triệu đô, dùng nửa số tiền thu được làm từ thiện, nửa còn lại đem đầu tư vào nhiều phát minh khác.

Các studio chụp hình ăn theo bắt đầu xuất hiện trên khắp nước Mỹ và châu Âu. Ngay cả cuộc Đại suy thoái cũng không làm giảm khát khao “tự sướng” người dân.

4. Đi thang cuốn

Thang cuốn ra đời khiến mọi người hoàn toàn kinh ngạc. Trước đó, chưa có thứ gì giống thế. Năm 1892, Jesse Reno được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng của mình; tới năm 1896, chiếc thang cuốn đầu tiên được lắp đặt ở công viên Coney Island.

Thang cuốn này khác thang cuốn ngày nay ở chỗ bạn ngồi lên các thanh gỗ chứ không đứng trên bậc thang, nhưng nguyên tắc hoạt động thì giống hệt. Vành đai giúp đưa mọi người lên cao khoảng 2 tầng với góc nghiêng 25 độ. 

Dù thang cuốn chỉ được trưng bày tại công viên 2 tuần nhưng đã có khoảng 75 ngàn người tìm đến để sử dụng thang.

Năm 1900, thang cuốn được chuyển tới châu Âu, trưng bày tại hội chợ Exposition Universelle tại Paris và giành giải nhất. Không lâu sau đó, hãng Otis mua lại bằng sáng chế của Reno và bắt đầu sản xuất thang cuốn để kinh doanh.

Năm 1897, cửa hàng bách hóa ở New York đầu tiên đưa thang vào sử dụng cũng đưa luôn thang vào quảng cáo của cửa hàng: Thang sẽ đưa khách lên tầng 2 chỉ trong 26 giây!

Tuy nhiên, thang cuốn thời này gặp phải vấn đề là chỉ đi lên, không thể đi xuống. Nhưng khi thang-cuốn-đi-xuống-được ra đời, phải mất 3 thập kỷ để công chúng và các doanh nghiệp làm quen và… đỡ sợ. 

5. Nhìn chằm chằm những em bé sinh năm

Trước khi 5 chị em Yvonne, Annette, Cecile, Emilie và Marie ra đời vào năm 1934 tại Ontario, Canada, không một ai biết rằng người ta có thể mang thai 5 đứa trẻ một lần. Không chỉ vậy, 5 chị em vẫn sống sót dù sinh non hai tháng. Báo đài sẵn sàng chi ra những khoản tiền khủng để có được những tấm hình của họ. Một năm sau, cha của 5 người đồng ý “trưng bày” các cô con gái tại Hội chợ thế giới Chicago và vấp phải sự phản đối của Chính phủ. Từ đây, 5 chị em được nhà nước bảo trợ và được đưa vào nhà trẻ đối diện nhà mình, còn gọi là “Quintland”.

Người ta đổ xô đi thăm 5 chị em, bao gồm Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị – chỉ có điều hồi đó bà chưa đăng quang.

Trong vòng chưa tới một thập kỷ, có đến 3 triệu người – đôi khi lên tới 3000 người/ngày – ghé thăm nơi này. Dân số Canada thời ấy khoảng 11 triệu, Quintland trở thành điểm du lịch nổi tiếng nhất. Chỉ trong 9 năm, độ “hot” của 5 chị em đã trực tiếp đóng góp nửa tỷ đô la cho nền kinh tế Ontario. 

Hẳn là cũng có những độc giả thông thái tự bảo mình: “Đến cuối những năm 1920 là tivi đã xuất hiện trên thị trường rồi, chị em nhà này năm 1934 mới sinh, hư cấu‼” Tuy nhiên, đến năm 1952 – 9 năm sau khi Quintland đóng cửa, Canada mới bắt đầu phát sóng truyền hình. Và đó cũng là lúc các cô gái được trở về gia đình.

Vén bức màn bí ẩn đằng sau tấm “bảng gọi hồn”… ai cũng sợ
(Khám phá) – (Phunutoday) – Từ lâu, bảng cầu cơ đã được coi là công cụ nguy hiểm đầy huyền bí dùng để giao tiếp với thế giới tâm linh. Vậy bí ẩn đằng sau nó là gì?

Nguồn: Tĩnh An/Theo Mental Floss/Theo Khỏe & Đẹp

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.