Chỉ với một số thực phẩm đơn giản, quen thuộc, bạn hoàn toàn có thể cải thiện sức khỏe của bản thân và gia đình. Tất nhiên, thực phẩm không phải lúc nào cũng có thể thay thế thuốc đặc trị nhưng dù không chữa khỏi được bệnh thì ăn uống điều độ, khoa học cũng là một cách tốt để “nâng cấp” hệ miễn dịch của bạn. Dưới đây là một số thực phẩm tốt nhất dùng để chữa trị các căn bệnh thường gặp trong cuộc sống.
1. Chứng viêm khớp
Gừng: Loại củ rễ này chứa các hợp chất có khả năng tương tự như một số loại thuốc chống viêm. Tuy nhiên gừng cũng có thể làm loãng máu trong cơ thể, vì vậy nếu bạn đang dùng các loại thuốc làm loãng máu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng gừng.
Cách sử dụng: Bạn nên thêm một ít gừng vào bữa ăn mỗi ngày, có thể là một vài lát trong tách trà, một vài lát trong món xào hay trong sinh tố.
Bí ngô: Nghiên cứu đã chỉ ra chất sáng màu cam trong bí ngô là dấu hiệu của beta-Carotene and beta-Cryptoxanthin, các chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa, làm chậm quá trình viêm khớp và làm giảm đau.
Cách sử dụng: Hãy sử dụng một lon bột bí ngô nguyên chất mỗi tuần. Bạn có thể làm một cái bánh pudding bằng cách trộn bột bí ngô vào sữa chua vani cùng với một chút quế, hay thêm một muỗng bột bí ngô vào nước sốt món gà tây, tráng bánh taco hoặc với ớt (bột bí ngô sẽ không làm giảm đi hương vị của món ăn).
Ớt chuông đỏ: Loại ớt này không chỉ chứa một lượng đáng kể các chất carotene chống viêm mà còn có hơn 250% lượng vitamin C được khuyến cáo mỗi ngày. Nghiên cứu cho biết những người có chế độ ăn ít vitamin C có nguy cơ cao mắc phải một số chứng viêm khớp nhất định.
Cách sử dụng: Hãy cố gắng ăn ba quả ớt chuông đỏ mỗi tuần. Có thể trộn cùng với dưa leo, đậu xanh và bơ cho một buổi trưa nhanh chóng và dễ dàng.
2. Bệnh tiểu đường tuýp 2
Các loại đậu: Mặc dù có hình dáng và màu sắc kỳ lạ, các loại đậu là một sự kết hợp tuyệt vời giữa tinh bột chất lượng cao, chất đạm và chất xơ giúp ổn định lượng đường trong máu và ngăn chặn cơn đói.
Cách sử dụng: Hãy ăn đậu bất cứ khi nào bạn có thể. Các món đậu giàu đạm sẽ tốt hơn các món mỳ ống, cơm hoặc khoai tây có lượng Carbonhydrat cao. Bạn có thể làm món đậu chickpeas (garbanzo) giòn bằng cách cho đậu chín khô vào khay, rắc thêm ớt bột, thì là hoặc các loại gia vị khác và nướng ở nhiệt độ 200°C trong từ 20 đến 25 phút hoặc cho đến khi món ăn chuyển màu vàng nhẹ và giòn.
Lòng trắng trứng: Lòng trắng trứng là thực phẩm tuyệt vời cho một bữa ăn dành cho người mắc bệnh tiểu đường vì lòng trắng trứng có hàm lượng calo thấp (17 calo trong mỗi quả trứng) và giàu đạm chất lượng cao. Do đó loại thực phẩm này có thể giúp giữ trọng lượng và lượng đường trong máu của bạn ở mức ổn định. Và vì tất cả cholesterol đều ở trong lòng đỏ, lòng trắng không hề chứa cholesterol.
Cách sử dụng: Hãy cố gắng ăn ít nhất 3 hoặc 4 quả trứng mỗi tuần. Một phần trứng chiên với 4 lòng trắng trứng (hoặc 1 quả trứng cùng với 2, 3 lòng trắng trứng), ăn kèm với rau và một số pho mát ít béo cho bữa sáng sẽ thiết lập bạn một ngày với lượng đường trong máu ổn định.
Các loại hạt: Tất cả các loại hạt, bao gồm lạc, quả óc chó, hạt dẻ cười, hạt hồ đào và hạt điều, đều chứa những chất béo có lợi và đạm – hai thành phần giúp giữ lượng đường trong máu ổn định bằng cách làm chậm tốc độ hấp thụ Carbonhydrat của cơ thể.
Cách sử dụng: Ăn nhẹ một vài hạt yêu thích mỗi ngày – tất cả đều chứa chất béo lành mạnh.
3. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Pho mát: Các nghiên cứu đã phát hiện những phụ nữ mắc chứng PMS có lượng canxi trong thời kỳ rụng trứng thấp hơn những phụ nữ không có triệu chứng PMS. Vì vậy, hãy ăn pho mát và các sản phẩm từ sữa khác nhiều hơn nếu bạn dễ bị chuột rút và thay đổi tâm trạng.
Cách sử dụng: Hãy đảm bảo bạn đã cung cấp cho cơ thể mình đủ lượng canxi mỗi ngày. Các chuyên gia y tế cho biết chỉ 10% trong số chúng ta đang hấp thu đủ lượng canxi cần thiết hàng ngày. Phụ nữ dưới 50 tuổi cần 1,000 mg canxi/ngày. Nếu từ 50 tuổi trở lên, bạn cần ít nhất 1,200 mg canxi/ngày. Hãy bổ sung vào khẩu phần ăn những thực phẩm giàu canxi như pho mát hay sữa chua mỗi ngày. Nếu bạn không làm được, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn về việc sử dụng thuốc cung cấp canxi.
Dứa: Có 3 điều cần quan tâm về loại trái cây này. Thứ nhất: dứa là nguồn cung cấp Mangan tuyệt vời nhất. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những phụ nữ có lượng Mangan trong cơ thể thấp sẽ có nhiều khả năng mắc chứng PMS (tính khí thất thường, căng tức vú, bị chuột rút, đau đầu, nổi mụn…) hơn. Thứ hai: dứa cũng như các loại trái cây và rau củ nhiều nước khác (như quả việt quất, trái cây họ cam quýt, dưa hấu, dưa chuột, ớt chuông) có thể giúp phụ nữ tránh bị phù nề trong chu kỳ hàng tháng. Lý do là vì những trái cây này chứa lượng nước lớn, có khả năng lọc rửa chất lỏng dư thừa trong cơ thể. Thứ ba: những quả dứa ngọt ngào là sự lựa chọn lành mạnh để bạn tận hưởng cảm giác thèm ăn ngọt trong chu kỳ kinh nguyệt.
Cách sử dụng: Từ 7 đến 10 ngày trước kỳ kinh nguyệt, hãy ăn một nửa trái dứa hoặc uống 1 ly dứa tươi ép mỗi ngày. Nếu bạn không thích vị dứa tươi, ăn canh chua có dứa cũng là một lựa chọn không tồi.
Hạnh nhân: Trong hạnh nhân có chứa rất nhiều Magie – một loại khoáng chất khác cũng có khả năng ngăn ngừa hội chứng PMS. Theo các nghiên cứu, Magie không chỉ giúp giảm chứng đau đầu trong PMS, mà còn có thể cải thiện tâm trạng và giảm việc mất nước từ một đến hai tuần trước kỳ kinh nguyệt.
Cách sử dụng: Hãy thưởng thức khoảng 22 hạt hạnh nhân mỗi ngày và làm phong phú chế độ ăn của bạn với các loại thực phẩm giàu Magie khác như hạt quinoa, hạt bí ngô và hướng dương, các loại lá có màu xanh đậm, đậu tương xanh và đậu xanh.
4. Bệnh loãng xương
Súp lơ xanh: Súp lơ xanh cung cấp cho bạn bốn chất dinh dưỡng làm chắc xương trong cơ thể bao gồm vitamin C, vitamin K, Kali và canxi. Theo các nghiên cứu, việc hấp thu đủ vitamin C và K sẽ giúp nâng cao mật độ xương trong cơ thể. Kali (và các hợp chất khác trong súp lơ xanh) có khả năng ngăn ngừa suy giảm xương bằng cách chống các axit chuyển hóa mà theo các nghiên cứu là nguyên nhân của việc suy yếu xương khớp.
Cách sử dụng: Hãy ăn súp lơ xanh ít nhất 3 lần mỗi tuần. Để tăng thêm hương vị, bạn có thể ăn kèm với một chút phô mai bào – loại thực phẩm chứa nhiều canxi.
Sữa tách béo (Sữa tách bơ, sữa gầy): Sữa tách béo là sự lựa chọn tốt nhất cho xương chắc khỏe. 1 ly sữa chứa đến 300 mg canxi – khoảng một phần ba lượng canxi cần được cung cấp cho cơ thể mỗi ngày theo khuyến cáo.
Cách sử dụng: Hãy đưa sữa tách béo vào chế độ ăn uống hằng ngày của bạn bằng cách uống một ly sữa với bột yến mạch thay vì nước, một ly sinh tố, hoặc một cốc cacao ít béo làm từ sữa tách bơ. Bạn cũng có thể thay bằng sữa đậu nành hoặc sữa hạnh nhân (miễn là trong thành phần của sữa có canxi).
Sữa chua: Nếu chế độ ăn uống của bạn không cung cấp đủ canxi, cơ thể sẽ lấy đi lượng canxi cần thiết được tích trữ trong xương của bạn. Điều tuyệt vời từ sữa chua là một nguồn cung cấp canxi và đạm tuyệt vời – hai yếu tố cần thiết cho xương chắc khỏe. Các nghiên cứu cho biết những người không cung cấp đủ đạm cho cơ thể thường có mật độ xương thấp hơn.
5. Bệnh đau tim
Bột yến mạch: Đây là một trong những thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, loại chất xơ có thể kiềm chế các hợp chất cholesterol và đào thải khỏi cơ thể bạn. Nghiên cứu cho thấy, những người ăn trung bình 2,5 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt (như yến mạch) hằng ngày có nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch như đau tim và đột quỵ ít hơn 21% so với những người hầu như không ăn ngũ cốc.
Cách sử dụng: Hãy ăn bột yến mạch ít nhất 3 lần mỗi tuần. Bạn có thể dùng kèm với quả hạnh nhân, các loại hạt, quả mơ khô hoặc với bơ lạc.
Khoai lang: Những củ khoai lang cung cấp nhiều rất chất xơ có lợi cho tim hơn những củ khoai tây, chưa kể đến một lượng lớn Kali – loại khoáng chất có tác dụng chống lại các tác động tiêu cực của muối lên huyết áp.
Cách sử dụng: Hãy ăn ít nhất 2 củ khoai lang mỗi tuần.. Bạn có thể thử món khoai nghiền, cho thêm một ít sữa không béo, bơ đánh và một chút quế.
Cá hồi: Cá hồi tự nhiên là một trong những thực phẩm chứa nhiều chất béo omega-3, loại chất béo có thể làm giảm Triglycerides (chất béo trung tính), nâng cao chỉ số HDL cholesterol (tốt) và còn có thể ngăn ngừa viêm trùng (một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim) trong cơ thể. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã phát hiện những người có chế độ ăn nhiều chất béo omega-3 có nguy cơ thấp hơn đáng kể mắc bệnh tim mạch vành cũng như đột quỵ từ rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường).
Cách sử dụng: Hãy ăn cá hồi ít nhất 2 lần mỗi tuần. Cá hồi tự nhiên và nuôi trồng đều chứa hàm lượng omega-3 như nhau, nhưng cá hồi tự nhiên ít chứa các tạp chất ô nhiễm hơn và có gấp bốn lần lượng vitamin D. Nếu bạn không thể chi trả cho cá hồi tự nhiên đắt đỏ và số lượng ít, bạn cũng nên ăn cá hồi nuôi nhân tạo vẫn hơn là không màng tới món ăn này.
6. Bệnh đau nửa đầu
Hạt lanh nghiền: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng omega-3 – được tìm thấy nhiều trong hạt lanh – có thể làm giảm tần số, thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh đau đầu, bằng cách làm giảm viêm.
Cách sử dụng: Hãy thêm một muỗng hạt lanh nghiền mỗi ngày vào sữa chua, bột yến mạch, ngũ cốc hay sinh tố. Bạn cũng có thể trộn hạt lanh nghiền vào thịt viên hoặc kết hợp với vụn bánh mỳ trên lớp phủ gà nướng giòn.
Rau bina: Trong rau bina có chứa hàm lượng Magie lớn cũng như chất Riboflavin – một loại vitamin B có khả năng làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu.
Cách sử dụng: Hãy ăn ít nhất 3 khẩu phần rau bina mỗi tuần cũng như dùng thêm các loại thực phẩm giàu Riboflavin khác như thịt bò nạc, ngũ cốc nguyên hạt, nấm và măng tây. Bạn cũng nên gặp bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc cung cấp Riboflavin nếu có thể.
Nguồn: Theo Mother Nature
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.