Những vệt sáng lóe lên trên miệng núi lửa phun trào ở Bali

Những vệt sáng lóe lên trên miệng núi lửa phun trào ở Bali

Vệt sáng lóe lên trên miệng núi lửa Agung ở Bali trong ảnh vệ tinh có thể chỉ là kết quả từ các khoảng trống trong đám mây.

Các chớp sáng có tên gọi “điểm nóng”trông như phát ra từ núi lửa Agung đang hoạt động ở Bali, Indonesia và lọt vào ống kính máy cảm biến hồng ngoại 3,9 micron trên vệ tinh thời tiết địa tĩnh Himawari của Nhật, Long Room hôm 29/11 đưa tin.

Những vệt sáng lóe lên trên miệng núi lửa phun trào ở Bali
Vệt sáng trên miệng núi lửa Agung được vệ tinh Nhật Bản chụp lại. (Ảnh: Roy Spencer).

Roy Spencer, nhà khoa học từng làm việc cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chia sẻ loạt ảnh chụp trên website cá nhân. “Cứ nghĩ đây chỉ là nhiễu cảm biến, tôi kiểm tra những khu vực khác để tìm vệt sáng tương tự nhưng không tìm thấy. Sau khi xem lại ảnh chụp ban đêm của tuần trước, tôi phát hiện hiện tượng tương tự trong suốt giai đoạn đầu của các vụ phun trào”, tiến sĩ Spencer cho biết.

David Rothery, giáo sư khoa học địa lý hành tinh ở Đại học Open, Anh, cho biết có một số cách giải thích về vệt sáng. “Chúng ta không phải bất ngờ trước những thay đổi hồng ngoại bí ẩn trong ảnh vệ tinh. Độ rõ nét của các mạch phun nóng sáng và vật liệu nóng phun trào trên mặt đất phụ thuộc vào những khoảng trống trong đám mây. Một số vệt sáng có thể là sấm chớp khá phổ biến trong các vụ phun trào tro bụi do các hạt bụi bốc từ mặt đất lên không trung, nơi chênh lệch điện thế dẫn tới hiện tượng phóng điện”, giáo sư Rothery nói.

Theo Trung tâm cố vấn về tro núi lửa Darwin, tro bụi từ núi lửa Agung đang dạt về phía đông nam ở độ cao 6.400 mét.

Bầu trời phủ đầy tro xám do núi lửa Bali phun trào. (Video: Michael Flynn).

Theo giáo sư Rothery, nếu sự kiện phun trào lần này lớn như năm 1963, các dòng nham tầng (pyroclastic flow) sẽ tràn ra. Dòng nham tầng chứa hỗn hợp những khối dung nham nóng, đá bọt, tro bụi và khí gas. Chúng di chuyển ở tốc độ rất cao dọc theo sườn núi lửa, xuôi theo các thung lũng.

Hầu hết các dòng nham tầng bao gồm hai bộ phận: một dòng chất nền chứa những mẩu vật liệu thô chảy trên nền đất và một đám mây tro bụi bốc lên bên trên. Tro bụi có thể rơi xuống từ đám mây này và xuôi theo chiều gió bao phủ một vùng rộng lớn. Khi lượng tro bụi trở nên quá lớn để có thể duy trì dạng cột phun lên cao, tất cả hoặc một phần cột tro sụp đổ, tro nóng sẽ rơi ồ ạt xuống núi và bao phủ đất đai.

Đó là lý do chính khiến nhà chức trách địa phương phải thiết lập khu vực phong tỏa trong phạm vi 10km quanh núi lửa Agung.

 

Theo VnExpress