Bện nhân đâí tháo đường cần cẩn trọng trong ăn uống
Vấn đề quan trọng nhất đối với bệnh nhân đái tháo đường vào mùa hè là chế độ dinh dưỡng. Thực tế vào mùa hè, thời tiết nóng bức, chúng ta dễ có tâm trạng chán ăn, mệt mỏi, ăn không ngon miệng nên mọi người thường ăn uống qua loa.
Từ việc ăn uống không đủ chất và thiếu điều độ sẽ dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết. Hạ đường huyết thường sinh ra những chất làm tăng huyết áp có thể gây ra tai biến mạch máu não, hoặc dẫn đến nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường có suy mạch vành.
Để tránh hiện tượng hạ đường huyết do ăn uống không đầy đủ trong khi vẫn dùng các thuốc điều trị đái tháo đường. Người mắc các bệnh tiểu đường trong mùa hè nên tránh hoạt động nhiều dưới trời nắng, tránh khát nước nhưng không nên uống liền một lúc, nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể.
Bệnh nhân đái tháo đường cần đề phòng biến chứng
Với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong mùa hè, biến chứng về nhiễm khuẩn cũng sẽ là nguy cơ không nhỏ và cần phải đề phòng cao ở bệnh nhân đái tháo đường.
Bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thận nếu để cơ thể thiếu nước vào mùa hè sẽ rất dễ bị suy thận gia tăng hoặc suy thận nặng hơn. Đặc biệt là khi người bệnh đang dùng kèm theo thuốc lợi tiểu và ức chế men chuyển… Bên cạnh đó, thiếu nước cũng khiến người mắc bệnh tiểu đường bị biến chứng huyết khối, tắc mạch…
Mặt khác, mùa hè là mùa của nhiều loại trái cây có hàm lượng đường lớn như nhãn, vải, quýt, vú sữa, hồng xiêm, mít… Người bệnh đái tháo đường nếu ăn quá nhiều các loại hoa quả này sẽ khiến đường huyết tăng cao, nếu không được kiểm soát hợp lý sẽ gây nhiều biến chứng cấp tính cũng như biến chứng mãn tính ở mắt, thận, thần kinh…
Lưu ý khi đi du lịch
Để có một chuyến du lịch vừa an toàn, vừa vui vẻ cho bệnh nhân đái tháo đường, BS.CKII Trần Văn Hai (Chủ nhiệm CLB Bệnh nhân Đái tháo đường, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.HCM) có những lời khuyên:
– Trước khi đi, bệnh nhân cần lưu ý ăn nhẹ và tránh say tàu xe bằng cách dùng thuốc trước đó một giờ.
– Người bệnh nên tìm chỗ ngồi thoải mái, ít sốc. Hướng nhìn khi ngồi trên xe cũng quan trọng không kém, nên nhìn phong cảnh đằng xa, tránh ngồi quay đầu về phía sau, không nên nhìn cố định vào sóng hay các vật di động.
– Nếu đi máy bay, nên ngồi ở ghế ngang mức cánh máy bay để hạn chế sốc khi hạ cánh. Lúc máy bay hạ cánh, ngậm một viên kẹo, thở mạnh qua mũi và ngậm miệng, đầu ngửa ra sau, không chéo chân để tránh hạ huyết áp.
– Mang đầy đủ thuốc men và dụng cụ thử đường huyết. Thuốc viên hạ đường huyết, insulin dạng tiêm nên để nơi mát, tránh đặt nơi quá nóng hay quá lạnh.
– Ở nơi đến khác múi giờ Việt Nam, có thể điều chỉnh thời điểm và liều lượng tiêm insulin cho phù hợp.
– Nếu chuyến đi đòi hỏi hoạt động thể lực như đi bộ đường dài, đi xe đạp, người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát đường huyết tốt.
– Không nên ăn quá nhiều trong một bữa, dùng khẩu phần ăn có lợi cho sức khỏe (ít mỡ, nhiều chất xơ), không thử những thức ăn lạ, đồ uống có cồn.
(Theo SKGĐ)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.