4 trong số 10 khu vực bị ô nhiễm nặng nhất thế giới rơi vào Nga, trong khi các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ “góp mặt” hai, một nhóm nghiên cứu môi trường độc lập hôm qua cho biết.
10 khu vực ô nhiễm nhất thế giới rơi vào 7 nước, trong đó, “góp mặt” nhiều nhất có Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Người sống trong những khu vực này thường phải gánh chịu nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, từ hen suyễn và các bệnh liên quan đến hô hấp, tới dị tật bẩm sinh, chết yểu. Đó là kết quả nghiên cứu của Viện Blacksmith ở New York, Mỹ.
“Sức khỏe của người dân sống ở những nơi đó đang bị bào mòn. Nhưng lại không có một biện pháp nào để giải quyết vấn đề này”, Richard Fuller, người sáng lập đồng thời là giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Viện Blacksmith cho biết.
Theo ông chỉ cần có những biện pháp đơn giản là có thể làm cho các vùng này an toàn hơn. Nhưng vì lý do nào đó mà chúng không được thực hiện.
Lo ngại về những nơi bị ô nhiễm càng tăng khi dân số thế giới cũng tăng lên và người dân ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng mua nhiều xe hơi và đồ điện tử hơn. Thói quen này ở những nước giàu có, như nước Mỹ đã được hạn chế rất nhiều.
Những vùng bị ô nhiễm nặng ở Nga và các nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ gồm Dzerzhinsk và Chernobyl. Cho đến thời kỳ Chiến tranh lạnh Dzerzhinsk của Nga là một trong những trung tâm vũ khí hóa học lớn. Còn Chernobyl, Ukranie, là nơi xảy ra vụ tai nạn nhà máy nguyên tử khủng khiếp nhất thế giới năm 1986.
Trung Quốc và Ấn Độ mỗi nước có hai vùng nằm trong top 10. Linfen, Trung Quốc, nằm trong tỉnh Sơn Tây, trung tâm của ngành công nghiệp than, trong khi Tianjin là một trong những “căn cứ” sản xuất chì lớn nhất nước này. Tại Tianjin, người dân, đặc biệt là trẻ em, đã có những triệu chứng nhiễm chì như thiểu năng, hư tổn não, hư tổn thận.
Tianjin là một trong những “căn cứ” sản xuất chì lớn nhất Trung Quốc
(Ảnh: bloomberg.com)
Một vùng khác cũng nằm trong top 10 là La Oroya, Peru. Khu vực khai thác kim loại nặng này đã khiến 99% trẻ em có lượng chì lớn hơn mức cho phép trong máu.
Tương tự ở Kabwe, Zambia, trẻ em chơi trong vùng đất gần nơi khai thác kim loại nặng và thanh niên thu gom kim loại, cũng có lượng chì ở mức báo động trong máu, có thể dẫn tới tử vong.
Viện Blacksmith đã kết hợp cùng với Tổ chức chữ thập xanh Thụy Sỹ đã thực hiện cuộc nghiên cứu trên. Tuy nhiên họ không đưa ra vị trí xếp hạng vì chất lượng về thông tin sức khỏe ở mỗi nước mỗi khác. Cơ quan này đã thực hiện nghiên cứu về mức độ ô nhiễm trên thế giới suốt 7 năm qua. Năm nay, Blacksmith đã liệt kê danh sách “30 vùng bẩn” và top 10 vùng bị ô nhiễm.
Các vùng bị ô nhiễm thường năm ở những vùng núi, xâu xa, đặc biệt là những nơi như khai thác than, kim loại. Trong danh sách 30 vùng, Nga và các nước thuộc cộng hòa Liên bang Xô viết chiếm 10, Trung Quốc 6. Không có vùng nào ở Mỹ nằm trong top 10, do kể từ những năm 1970 nước này đã ban hành luật về ô nhiễm rất nghiêm khắc. Tuy nhiên người dân ở những nước giàu có thể phải gián tiếp chịu trách nhiệm cho một vài loại ô nhiễm. “Hầu hết lượng niken trong xe hơi và chì trong áp quy của xe có thể xuất phát từ những nơi này”, Fuller cho biết.
Phan Anh
Theo Reuters, Dân trí