“Nô bộc” nơi công sở

Ngán ngẩm với chuyện ăn vặt nơi công sở

Nga thật sự đã nếm đủ những cung bậc khác nhau của việc làm “nô bộc” ở chốn công sở nơi cô đang làm. Vốn dĩ, việc cả nhóm đóng tiền ăn quà vặt trở thành niềm vui, giúp mọi người gắn kết với nhau trong công việc hơn, thì đằng này, chỗ Nga làm lại biến việc ăn vặt trở thành một cực hình với riêng bản thân cô.

Ở phòng của Nga chẳng có  ai muốn làm thủ quỹ. Mọi người đùn đẩy nhau mãi, cuối cùng vì là em út và đặc biệt là người mới trong phòng, Nga bị tống cho trọng trách cao cả mà không dám từ chối. Và cũng từ đó ngoài áp lực trong công việc, Nga còn phải gánh không ít phiền toái từ việc mua quà ăn vặt cho mọi người.

Ngán ngẩm với chuyện ăn vặt nơi công sở

Một lần, sếp yêu cầu cô gửi bản báo cáo thuế cuối tháng, cô đãng trí thế nào lại gửi luôn bài báo feedback món ăn đang “sốt xình xịch”. Thế là bị sếp quát cho một trận tới bến vì cái tội đãng trí, “háu ăn” không thèm để ý tới công việc, kể từ đó cô cũng bị sếp xét nét hơn trong công việc, cái gì cũng bắt bẻ.

Nhóm của Nga phần lớn đều là những phụ nữ có gia đình nên chi li, tính toán từng chút một. Mỗi lần hò đóng quỹ là phải sau mấy ngày thì họ mới chịu đóng tiền đi kèm với một thái độ khó chịu, hách dịch như thể đang ban ơn. Tiền đóng ra thì họ chi li, nhưng lúc nào cũng đòi ăn, tháng ăn nhiều lần, nên tiền đóng 1 lần không đủ, cứ phải đi thu mấy lần. Mà mỗi lần ngửa tay ra xin mọi người thì Nga như đi đeo mặt mo vào. Điệp khúc quen thuộc của các chị mỗi lần nhìn thấy mặt Nga là “tiền lương thì ít, bao nhiêu khoản chi mà suốt ngày thấy mày đòi tiền, hãm tài thế!”. Tiền có phải Nga đi xin cho mình tiêu đâu, mà để mua những món ăn cho các chị ấy ăn chứ. Nhiều khi nghe những câu nói đó Nga thấy bực mình lắm! Đã vậy, những người đó còn thường xuyên bắt Nga phải giải trình báo cáo tình hình quỹ. Mỗi lần thấy hụt đi là lại hỏi rõ đã dùng tiền vào việc gì, mua với giá bao nhiêu rồi bĩu môi chê Nga mua đắt, không biết trả giá.

Những người ở nhóm của Nga là những kẻ thích ăn mà không muốn làm. Bình thường, Nga hay hỏi mọi người thích ăn gì để cô mua, những ngày đầu thì họ còn nói, lâu dần họ còn thoái thác cả trách nhiệm ăn gì cho cô. Thế là Nga được quyền lựa chọn món, làm dâu trăm họ, mỗi người một ý. Cô cứ mua món này về, món kia về là mấy chị lại không ngừng bĩu môi chê bai “ăn không ngon”, “mua gì mấy cái món dở hơi này, đầy thứ ngon”… Vì vậy mà cái đầu lúc nào cũng nghĩ đến “bữa nay ăn gì” khiến công việc chẳng còn thời gian và tâm trí cho công việc nhưng cũng chẳng được vừa ý của mọi người.

Đồ ăn đã mua về rồi thì cô trở thành một chân phục vụ chuyên nghiệp, bao thầu tất cả các khâu, từ việc chọn đồ ăn, chuẩn bị đồ ăn đến mức khi bụng đã no nê là họ tìm cách né việc dọn dẹp đùn đẩy cho Nga. Từ những lý do “lớn lao” như sếp gọi gấp hay bận việc đột xuất đến những lý do cỏn con như “hôm nay chị mệt lắm. Những lúc Nga rảnh thì không nói làm gì, nhưng lúc ngập đầu ngập cổ trong công việc mà mọi người rảnh ngồi chơi họ cũng phải để phần việc đó cho cô. Thậm chí tới mức bày đầy bàn ra rồi, mời chán chê rồi họ mới chịu nhấc mông đứng dậy như ban phép.

'Nô bộc' nơi công sở

Cái lần vừa rồi, các chị trong phòng lúc nào cũng đòi ăn sầu riêng, nhưng sợ mùi nên Nga đã bảo là không nên ăn, sếp biết sẽ không hay. Vừa nói xong thì bị các chị mắng xối xả, kêu “mày hèn thế? thích gì thì cứ ăn, có gì sếp mắng các chị lo cho”. Chiều theo ý mọi người, chị mua, và không ngoài sức tưởng tượng. Khi chị đang cặm cụi gỡ từng múi sầu riêng trên bàn thì sếp lò dò đi vào. Bắt gặp ánh mắt dò xét của sếp nhìn Nga mà cô cuống cuồng tới mức bôi tay đầy nhựa lên đầu. Xong các chị trong phòng cũng nhanh miệng nói như kể chiến tích với sếp “em bảo cái Nga nó không ăn sầu riêng rồi, mùi lắm, mà nó thèm nên cứ mua về đó chị à”. Khỏi phải nói, ánh mắt của bao nhiêu con người đổ dồn về phía chị, đặc biệt Nga bị sếp gọi vào phòng riêng để chấn chỉnh vì cái văn hóa của công sở trong khi các chị bên ngoài thì túm tụm vào được trận cười hả hê.

Nga thật sự đã nếm đủ những cung bậc khác nhau của việc làm nô bộc ở chốn công sở nơi cô đang làm. Vốn dĩ, việc cả nhóm đóng tiền ăn quà vặt trở thành niềm vui, giúp mọi người gắn kết với nhau trong công việc hơn, thì đằng này, chỗ Nga làm lại biến việc ăn vặt trở thành một cực hình với riêng bản thân cô.

Mai Trịnh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.