Mặc dù Mỹ, Nga cùng kêu gọi các nước tăng cường bảo vệ gấu Bắc Cực, đề xuất cấm mua, bán các bộ phận của loài gấu này vẫn không được thông qua trong hội nghị CITES tại Thái Lan.
Hoạt động xuất khẩu da, răng và móng của gấu trắng từ Canada là đề tài được tranh luận sôi nổi tại phiên họp hôm 7/3 trong khuôn khổ hội nghị Công ước về Buôn bán quốc tế Các loài hoang dã nguy cấp (CITES) ở thành phố Bangkok, Guardian đưa tin.
Với sự ủng hộ của Nga, phái đoàn Mỹ lập luận rằng, mặc dù biến đổi khí hậu và hiện tượng băng tan ở Bắc Cực là mối hiểm họa lớn nhất đối với hơn 20.000 gấu trắng trên thế giới, săn bắt cũng là một mối họa đáng sợ đối với sự tồn vong của chúng.
Canada là nước duy nhất cho phép người dân xuất khẩu da,
lông và các sản phẩm từ gấu Bắc Cực. (Ảnh: National Geographic)
“Giới khoa học vẽ lên một tương lai u ám đối với gấu Bắc Cực. Một lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm từ gấu trắng sẽ mang đến cho chúng cơ hội sống sót cao hơn trong tự nhiên cho tới khi loài người có thể giải quyết biến đổi khí hậu”, trưởng đoàn Mỹ phát biểu trước đại biểu của 178 nước trong hội nghị CITES.
Nhưng Canada, nơi 2/3 số gấu trắng trên thế giới sống và là nước duy nhất cho phép xuất khẩu các sản phẩm từ gấu trắng, khẳng định rằng giới khoa học không có đủ bằng chứng để chứng minh rằng số lượng gấu Bắc Cực đang giảm mạnh. Đoàn đại biểu Canada tuyên bố chính phủ của họ đã áp dụng những quy định nghiêm ngặt để đảm bảo rằng hoạt động săn gấu sẽ giúp chúng duy trì số lượng một cách bền vững.
38 nước ủng hộ đề xuất của Nga và Mỹ, 42 nước chống và 46 nước bỏ phiếu trắng. Đại biểu của một số nước không bỏ phiếu.
Khoảng 600 con gấu Bắc Cực bị giết mỗi năm tại Canada. Chúng chết bởi hoạt động săn bắn của thổ dân Inuit và những thợ săn nước ngoài. Da và các bộ phận cơ thể của khoảng một nửa số gấu đó được xuất khẩu.
Theo VNE