Nói chuyện tiền nong với chồng sao cho khéo?

0
107
Nói chuyện tiền nong với chồng sao cho khéo?

Trên thực tế, căng thẳng tài chính đã được chứng minh là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tan vỡ hôn nhân. Tỷ lệ các cuộc ly hôn vì lý do tài chính còn cao hơn cả lục đục chuyện chăn gối hoặc mâu thuẫn lối sống. Vì vậy, trong mối quan hệ vợ chồng, tiền bạc không chỉ là chuyện nên được thảo luận thường xuyên mà còn là trách nhiệm chung của hai người.

Ngay cả khi chưa kết hôn, bạn vẫn nên đưa vấn đề tài chính ra bàn bạc công khai với bạn trai/bạn gái nếu mối quan hệ của hai bạn đã chín muồi. Đó là cơ sỡ vững chắc để bạn và người ấy có một tương lai chung sống tốt đẹp.

Hầu hết các cặp đôi đều thích minh bạch về vấn đề tiền bạc nhưng lại không biết cách nói chuyện về vấn đề này như thế nào cho hiệu quả. Alexa von Tobel – người sáng lập trang thông tin về tài chính LearnVest nói: “Tiền bạc liên quan đến cuộc sống của vợ chồng bạn trên nhiều phương diện, từ công việc, chuyện nuôi dạy con đến nhu cầu sinh hoạt mỗi ngày. Vì vậy, bạn cần phải bàn bạc về vấn đề này với chồng thường xuyên để đảm bảo rằng hai người vẫn đang ngồi trên cùng một con thuyền”.

Dưới đây là 5 lời khuyên của Alexa để vợ chồng bạn có thể bắt đầu việc bàn bạc về tài chính với nhau và bàn bạc có hiệu quả hơn”

1. Bắt đầu bằng cách đi đường vòng

Nói chuyện tiền nong với chồng sao cho khéo?

Hãy luôn ghi nhớ rằng tiền bạc là một vấn đề nhạy cảm. Dù bạn có nghi ngờ chồng chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được cũng đừng dùng áp lực để bắt anh “khai báo” chi tiết giao dịch của toàn bộ thẻ tín dụng. Hành động này sẽ khiến chồng bạn cảm thấy không được tôn trọng và trở nên phòng thủ, xa cách với bạn hơn.

Để mở đầu câu chuyện về vấn đề tiền bạc, tốt nhất là bạn hãy chọn đi đường vòng với những câu hỏi trung tính.  Chẳng hạn như: “Sắp tới anh có dự định mua gì mới không?” hoặc “Lần gần đây nhất vợ chồng mình ăn tối tốn kém là lúc nào nhỉ?”. Những câu hỏi kiểu này sẽ giúp bạn từ từ đi sâu vào vấn đề tài chính mà không khiến chồng “khiếp vía”.

2. Thiết lập quy định về tài khoản chung

Không phải cặp vợ chồng nào cũng ủng hộ ý tưởng mở tài khoản chung và cũng không có luật nào quy định việc này. Có những cặp chọn cách gửi toàn bộ lương hàng tháng vào một tài khoản duy nhất, nhưng cũng có những cặp dù đã sống lâu năm với nhau vẫn thích tách bạch thu nhập theo tiêu chí tiền ai nấy giữ và khi có việc chung thì góp 50/50.  

Lời khuyên của Alexa là: “Mọi cặp vợ chồng đều nên có một tài khoản chung, nhưng với những nguyên tắc đóng góp rõ ràng”. Số tiền trong tài khoản này có thể không phải toàn bộ lương hàng tháng của hai người, nhưng phải đủ nhiều để thanh toán những chi phí chung như tiền điện, nước; mua sắm đồ gia dụng, nội thất… Hoặc hai bạn có thể coi đây là tài khoản tiết kiệm vì những mục tiêu chung lớn trong tương lai như mua nhà, cho con đi du học…

Cách mà Alexa áp dụng trong gia đình mình là đóng góp vào tài khoản chung theo tỷ lệ phần trăm thu nhập. Ví dụ, bạn thu nhập 8 triệu đồng/tháng còn chồng thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Nếu hai người quyết định đóng 70% thu nhập vào tài khoản chung thì mỗi tháng bạn sẽ phải đóng 5,6 triệu đồng và chồng phải đóng 8,4 triệu đồng. Số tiền còn lại nằm trong quyền chi tiêu của riêng mỗi người và người kia không được can thiệp. Đây là cách tốt để hai bạn tránh được những cuộc tranh cãi bất tận vì tiền. 

3. Biến việc bàn về tài chính thành một thói quen

Cuộc sống hiện đại có rất nhiều việc để bạn phải lo nghĩ: công việc nhiều áp lực hơn, sức khỏe suy giảm nhanh hơn do môi trường ô nhiễm, bảo vệ con cái khó hơn trong sự phát triển như vũ bão của mạng Internet… Vòng xoay này có thể khiến bạn quay cuồng và dễ mắc chứng đãng trí. Đó là lý do tại sao bạn nên đánh giá cao hơn tầm quan trọng của lịch làm việc. Alexa khuyên bạn nên thêm việc bàn chuyện tài chính vào lịch công việc quan trọng hàng năm. Hãy xem đây là một thói quen cần diễn ra đều đặn ít nhất 6 tháng một lần. Thói quen này sẽ giúp vợ chồng bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình tài chính của gia đình và tăng khả năng kiểm soát chi tiêu của mình.

Nói chuyện tiền nong với chồng sao cho khéo?

4. Thiết lập một giới hạn

Nếu vợ chồng đã có tài khoản chung, hãy cố gắng thiết lập các nguyên tắc sử dụng càng rõ ràng càng tốt. Ví dụ, hãy quy định một con số mà khi công việc cần chi đã lên tới mức đó thì hai bạn phải bàn lại với nhau trước. Alexa nói rằng ở gia đình cô, khi một trong hai người định mua thứ trị giá trên 500$ thì sẽ phải ngồi xuống để thỏa thuận với nhau xem có nên mua hay không. Nguyên tắc này có nhiều ích lợi: thứ nhất là giúp vợ chồng bạn tiêu tiền khôn ngoan hơn, thứ hai là giúp tăng sự gắn bó của đôi bên, thứ ba là giúp tránh những cuộc cãi vã, đổ thừa khi sản phẩm mua về không được như ý (vì cả hai đã cùng thống nhất rồi mới mua).

5. Giữ mục tiêu chung

Tất cả những cuộc bàn luận về tài chính đều phải dựa trên lợi ích chung của hai người. Có thể bạn muốn tiếp tục tiết kiệm tiền cho đến lúc sinh con nhưng ông xã lại muốn mua nhà vào năm tới, trong tình huống như vậy bạn sẽ giải quyết như thế nào? Hãy cố gắng tôn trọng lẫn nhau và tìm tiếng nói chung. Có câu nói “yêu nhau không phải là cùng nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng”, cuộc bàn bạc về tài chính là lúc phù hợp nhất để hai bạn áp dụng nguyên tắc đó.

Cuối cùng, mỗi cặp vợ chồng đều có những vấn đề riêng và cách chia sẻ khác nhau, vì vậy bạn đừng hoài công tìm một phương pháp bàn chuyện tài chính có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Khi cảm thấy bối rối không biết phải mở đầu câu chuyện với vợ/chồng như thế nào, tất nhiên, bạn có thể tìm đến bạn bè đáng tin cậy hoặc người thân trong gia đình để xin lời khuyên. Nhưng trên hết, hãy tin vào trực giác của mình. 

Nguồn: Theo Learnvest.com

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.