Những cung đường tử thần
Không chỉ riêng con trai, mà ngay cả nhiều bạn nữ cũng lựa chọn nghề shipper làm cách mưu sinh. Nguyễn Thùy Linh, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm nhưng chật vật mãi cô vẫn chưa tìm được một công việc tử tế. Những công việc lao động chân tay như chạy bàn, bán quần áo, thậm chí là giúp việc theo giờ Linh đã từng thử qua. Tuy nhiên dù vất vả nhưng mức thu nhập quá thấp, không đủ chi trả cho những khoản chi tiêu tối thiểu ở thành phố. Qua một số bạn nam giới thiệu, Linh nhận làm ship ruột cho mấy shop quần áo. “Hàng hóa không quá nặng, nhưng mình phải đảm bảo giao hàng đúng giờ cho khách bất kể trời mưa hay nắng, mỗi ngày trừ tiền xăng xe, chi phí ăn uống các kiểu mình còn để ra được khoảng 200 nghìn”– Linh chia sẻ.
Nhìn chung công sức bỏ ra nhiều nhưng mức thu nhập đó cũng tạm ổn, có khi nhiều công việc văn phòng cũng chỉ đạt được mức lương đó, thậm chí không bằng.
Tuy nhiên, cái nghề mưu sinh trên mọi nẻo đường cũng vô cùng nguy hiểm. Không ai biết, một ngày làm việc các bạn gặp phải những khó khăn nào. Hành nghề shipper được 2 năm, trải qua nhiều chuyện thấm thía, Lâm Hùng kể lại: “Mình thường nhận ship buổi tối vì tiền sẽ cao hơn so với ban ngày. Nghĩ vì mấy chục nghìn mà bất chấp nguy hiểm mình cũng thấy xót lắm. Nhiều hôm đi trên đường, thấy những vụ tai nạn thương tâm. Nghĩ thương cho anh em làm nghề này lắm. Rồi nửa đêm đi qua những đoạn đường vắng, mình cũng sợ gặp phải kẻ xấu, mạng người lúc đó chưa nghĩ đến, chỉ nghĩ nếu bị cướp hàng thì chỉ còn nước bán nhà mà trả nợ”.
Thiết nghĩ, chỉ vì mấy đồng bạc lẻ nhưng nhiều người phải bất chấp cả tính mạng để mưu sinh. Chúng ta vẫn từng ngày ngồi máy lạnh, có lẽ chưa thể nào hiểu hết được những vất vả, nguy hiểm mà những bạn chọn cái nghề này đang phải chịu đựng.
Những khoản tiền ứng một đi không trở lại
“Nguyên tắc vàng” của nghề shipper chính là phải ứng tiền trước cho người bán. Sau đó, các bạn ship sẽ giao hàng đến cho khách và nhận lại số tiền đã ứng ra trước đó. Đôi khi họ phải giao những số tiền rất lớn cho một người lạ chỉ để kiếm số tiền mấy chục nghìn chênh lệch. Độ rủi ro quá cao nhưng hầu hết những người trong nghề vẫn phải chấp nhận. Dù muốn, dù không họ vẫn phải xem “lòng tin” chính là “luật ngầm” để tồn tại trong giới. Đây cũng chính là “khe hở” mà nhiều kẻ gian đã lợi dụng để chiếm đoạt những khoản tiền cọc của các shipper.
Xuân Trường (sinh viên năm nhất – Đại Học Công Đoàn kể): “Một lần, đang đi ship ngoài đường, mình nhận được điện thoại của một chị nói là muốn giao 10 đơn hàng quanh nội thành. Tiền ứng là hơn 3 triệu, do lúc đó đang đi đường, lại thấy nhiều đơn nghĩ cũng ngon nên mình nhận. Mãi sau khi biết bị lừa, mình phải ngậm đắng nuốt cay số tiền ấy”
Theo đó, số tiền quá lớn nhưng kẻ lừa đảo dùng mánh khóe tinh vi. Chúng chia ra thành nhiều túi nhỏ, bọc rất cầu kỳ, trị giá mỗi đơn hàng không quá lớn. Hơn nữa địa chỉ giao nhận cũng rõ ràng nên Trường không cẩn thận xác nhận như mọi lần. Đó là sơ suất mà sau này cậu xem như một bài học xương máu, luôn đề cao tinh thần cảnh giác khi nhận bất cứ đơn hàng lớn nhỏ nào.
Được biết, những vụ lừa đảo kiểu này, các cơ quan công an thường ít tham gia xử lý. Nên dù tiền mất tật mang nhưng nhiều bạn vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận. Đặc biệt, thời điểm này, trên một số diễn đàn mỗi ngày phải có đến vài vụ lừa đảo được các bạn shipper chia sẻ.
Hiện nhiều chiêu trò lừa đảo của những kẻ gian trở nên phổ biến và ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên, luôn có vô số shipper mới “vào nghề” và không phải ai cũng biết đến “ẩn họa” đang chờ đợi. Rất có thể, một ngày nào đó, họ cũng sẽ trở thành “con mồi”.
Một số lưu ý để shipper tránh bị lừa Khi nhận ship, nên đến tận nhà hoặc cửa hàng của người bán, tuyệt đối không nhận hàng ở những địa chỉ công cộng. Kiểm tra kỹ số điện thoại người nhận, nên gọi trước cho họ khi đến giao hàng. Cẩn thận hơn, có thể kiểm tra số điện thoại người bán, người nhận trên mạng để xem tiền sử hành vi lừa đảo của họ. Nếu phải ship cùng lúc nhiều đơn hàng, nên gọi thử cho một đơn hàng bất kỳ xem khách ảo hay khách thực. Nếu đơn hàng có giá trị quá lớn, hãy chỉ đặt cọc một phần tiền hàng và để lại cho người bán CMND, khi giao xong sẽ đến lấy CMND và trả nốt số tiền còn thiếu. Kiểm tra hàng hóa cẩn thận trước khi giao. Khi bị lừa, hãy chia sẻ câu chuyện lên mạng, có thể sẽ tìm được “đồng minh” để cùng truy tìm kẻ lừa đảo, đồng thời, cảnh báo cho cộng đồng. |
Thiên Bình
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.