Nhân loại sẽ đối mặt với kỷ băng hà tiếp theo trễ hơn 50.000 năm so với quy luật vốn có. Nguyên nhân là do hiện tượng nóng lên toàn cầu mà thủ phạm chính là con người.
Đây có lẽ là một trong những mặt tích cực của nóng lên toàn cầu. Hiện tượng này đang giúp nới rộng khoảng thời gian Trái đất có khí hậu ôn hòa lên khoảng 100.000 năm trước khi bước vào chu kỳ băng hà tiếp theo, theo Daily Mail.
Voi ma mút là sinh vật từng tồn tại trên Trái đất ở kỷ băng hà trước – (Ảnh: Reuters).
Các nhà khoa học cho rằng cường độ ánh sáng mặt trời và nồng độ CO2 trong không khí thay đổi là các nguyên nhân chính gây ra 8 kỷ băng hà gần đây nhất trên Trái đất.
Do sự trỗi dậy của loài người và bắt đầu quá trình xả khí thải từ cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18 đến nay, kỷ băng hà tiếp theo sẽ chậm 50.000 năm so với quy luật.
“Nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng con người sử dụng dầu mỏ, than đá và khí đốt đã thải một lượng CO2 tương đối vừa phải vào khí quyển, từ đó giúp trì hoãn kỷ băng hà tiếp theo”, tác giả chính của nghiên cứu nhà khoa học Andrey Ganopolski cho biết.
Ông cũng cho rằng con người đang can thiệp vào cơ chế giúp định hình thế giới. Đây là có thể là điều chưa từng có tiền lệ.
Kỷ băng hà có khả năng định hình khí hậu hành tinh và từ đó tác động đến tiến trình phát triển của văn minh nhân loại.
Thông thường, sự khởi đầu của một kỷ băng hà thường đánh dấu bằng giai đoạn bức xạ mặt trời vào mùa hè thấp, tương tự thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện bằng chứng cho thấy kỷ băng hà sắp bắt đầu.
Theo Thanh Niên