11h ngày 15/3, tại khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM) anh Lê Văn Long (43 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lan (39 tuổi) cha mẹ nữ sinh Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, ở Đắk Lắk) đang cố gắng che chắn và đưa chiếc bô cho con gái đi vệ sinh.
Thấy cảnh này, nhiều người không cầm được nước mắt. Từ một nữ sinh khỏe mạnh, nhanh nhẹn, xinh đẹp nhưng giờ thiếu nữ không thể đi lại được. “Việc con tôi bị cưa chân ập đến quá nhanh nên giờ tôi vẫn chưa tin đó là sự thật”, chị Lan khóc.
Nhiều lần xin chuyển viện nhưng bác sĩ không cho
Theo cha của Vi, trưa 6/3, trên đường đi học thêm về Vi bị 2 cô gái đi xe cùng chiều tông phải. Thấy nữ sinh nằm ngoài đường, người dân đã đỡ em dậy. Đang ở trên rẫy, cha mẹ Vi nhận được tin con gái bị tai nạn nên chạy tới đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cấp cứu.
Vì bác sĩ Y Tâm bó bột mạnh tay, Vi kêu đau nhưng người này nói phải mạnh như thế mới nẹp cho xương liền lại được. Sau đó, nữ sinh liên tục kêu đau buốt ở chân. Chị Lan không tìm thấy bác sĩ Y Tâm nên đến gặp bác sĩ Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) để trình bày về tình trạng bệnh tình của con ngày càng nặng.
Theo lời người nhà thiếu nữ, giám đốc bệnh viện nói gia đình cứ yên tâm, ở đây đã điều trị nhiều trường hợp giống vậy. “Bác sĩ Tâm bảo đưa cháu về phòng rồi dựng đứng chân lên cho máu lưu thông rồi sáng 8/3 sẽ chỉ định mổ”, chị Lan kể.
Sáng sớm 8/3, người mẹ vào bệnh viện thấy chân con bị phồng nước, nên đến gặp giám đốc bệnh viện xin chuyển viện nhưng vị lãnh đạo này nói không sao, cứ đưa về phòng.
Trong ngày 8 và 9/3, Vi liên tục kêu đau thì được các bác sĩ tiêm thuốc kháng sinh và theo dõi. Đến ngày 10/3, phó giám đốc bệnh viện chỉ đạo cưa bột thì chân em đã sưng to và đầy bọng nước. Thấy tình trạng không ổn, gia đình xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng nơi này vẫn không đồng ý.
Ngày 11/3, Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin đưa bệnh nhân vào phòng mổ. Nhận thấy bệnh tình của thiếu nữ trở nặng không thể mổ được, lúc này bác sĩ mới đồng ý chuyển nữ sinh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, bác sĩ cho biết không thể điều trị do chân bệnh nhân đã hoại tử mạch máu, chuyển viện lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
Theo chị Lan, khi biết tin con phải chuyển lên TP HCM điều trị, vợ chồng chị phải quay về nhà vay tiền để có chi phí thuê xe cấp cứu và trả tiền cho y tá đi cùng.
Cưa chân để giữ mạng sống
20h khuya 11/3, vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Vi được các bác sĩ chụp mạch máu chân phải và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả cho thấy động mạch chủ ở chân phải của thiếu nữ đã bị tắc.
Sáng 12/3, bệnh nhân tiếp tục kêu đau, bác sĩ hội chẩn lần thứ 2. Thấy vận động yếu, chân bệnh nhân nổi bóng nước, bác sĩ truyền máu và theo dõi. Đánh giá tình trạng chân của em đã bị hoại tử sau 7 ngày điều trị trước đó, khuya cùng ngày bệnh viện gọi người nhà bệnh nhân vào tư vấn.
“Bác sĩ nói chân của Vi đã bị hoại tử mạch máu ảnh hưởng đến tính mạng. Họ khuyên gia đình phải chuẩn bị tâm lý, bé có thể bị cắt cụt chân. Nghe bác sĩ nói vậy tôi ngã quỵ”, chị Lan vừa nói vừa lấy tay lau nước mắt.
Chị nghẹn ngào: “Con tôi mới 15 tuổi mà phải cắt bỏ chân thì sau này tương lai sẽ ra sao? Mọi sinh hoạt thường nhật Vi phải dựa vào sự giúp đỡ của người khác sao đành?”.
Thấy cha mẹ cả ngày khóc sưng mắt, thiếu nữ xinh đẹp khuyên: “Con tỉnh rồi, mẹ đừng khóc nữa. Bác sĩ cắt chân để cứu mạng con mà”.
Vì cha mẹ buồn bã, Vi nói để động viên, nhưng chập chờn trong giấc ngủ, nữ sinh 15 tuổi vẫn giật mình thảng thốt. Trong cơn mê, em gọi mẹ đưa về nhà đi học. Khi thức giấc, nhìn xuống chân mình, em lại hỏi: “Mẹ ơi, không có chân sao con đến trường hả mẹ?”. Nghe Vi hỏi, người mẹ chỉ còn biết ôm con, xoa dịu cơn đau.
Chị Lan cho biết thêm, đêm 14/3, đại diện bệnh viện địa phương đã tới hỏi thăm và gửi gia đình 20 triệu đồng để trang trải chi phí.
Theo bác sĩ Đỗ Lê Hoàng Sơn – khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy – nếu bệnh nhân được đưa đến sớm để lưu thông mạch máu ngay từ đầu thì chân sẽ không bị hoại tử. Sau gần 5 ngày điều trị, mỏm cụt chân Vi đã lành, sau này em có thể tập vật lý trị liệu và ổn định sức khỏe rồi lắp chân giả.
Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin nhận trách nhiệm
Trưa 15/3, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin đến giường bệnh của Vi để thăm hỏi và nhận trách nhiệm với gia đình. Theo vị Phó giám đốc, bác sĩ Y Tâm chưa đánh giá hết được tình trạng của bệnh nhân bị tổn thương mạch máu nên dẫn đến tình trạng chân Vi bị hoại tử.
“Trước mắt bệnh viện nhận trách nhiệm và điều bác sĩ Y Tâm sang làm công việc hành chính”, vị này thông tin.
Theo Phó giám đốc Bệnh viện Cư Kuin, dù chưa biết nguyên nhân dẫn đến hoại tử chân của Vi, nhưng đơn vị hứa sẽ lo cho tương lai nghề nghiệp nữ sinh. “Nếu cháu học kế toán hay chuyên viên tin học thì sau này chúng tôi sẽ nhận về làm việc”, ông nói.
Nguồn: Theo Zing
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.