Nếu nước biển dâng lên 5m, Việt Nam có thể mất 16% diện tích, kèm theo đó là hơn 35% số dân và khoảng 35% tổng GDP bị ảnh hưởng. Trong khi đó, theo tính toán nếu băng ở vùng Greenland tan hết thì mực nước biển toàn thế giới sẽ cao lên 7m so với hiện nay.
Một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố có tên “Ảnh hưởng khi mực nước biển tăng lên tại các nước đang phát triển – phân tích so sánh” của nhóm tác giả Susmita Dasgupta, Benoit Laplante, Craig Meisner, David Wheeler và Jianping Yan tiến hành cho thấy, khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu mực nước biển tăng.
“Mực nước biển chỉ tăng 1m sẽ ảnh hưởng đến khoảng 10,8% tổng dân số của Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long”. – Nhóm nghiên cứu khẳng định.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng mực nước biển tăng do hiện tượng trái đất nóng lên gây ảnh hưởng mạnh nhất đối với các nước đang phát triển trên toàn thế giới.
Nghiên cứu sử dụng bản đồ vệ tinh với thông số so sánh của 84 nước đang phát triển vùng duyên hải để tính toán mức độ ảnh hưởng của việc nước biển dâng lên đối với con người, kinh tế, các khu vực đô thị và nông nghiệp ở 5 vùng khác nhau trên thế giới.
“Khi nào việc này xảy ra, chỉ có nghiên cứu khoa học mới xác định được – bà Susmita Dasgupta, chuyên gia kinh tế cao cấp và đồng tác giả của nghiên cứu nói. Nhưng điều quan trọng là các nước biết được nếu mực nước biển tăng 1m thì ảnh hưởng sẽ là thế nào, khu vực nào bị nhấn chìm, thiệt hại cho GDP là bao nhiêu, đất nông nghiệp, đô thị sẽ bị mất bao nhiêu”.
Theo nghiên cứu, đồng bằng sông Nile của Ai Cập cũng sẽ bị ảnh hưởng gần bằng Việt Nam, với 10,5% tổng dân số bị ảnh hưởng và 25% tổng diện tích bị nhấn chìm.
“Đã có một vài nước có chương trình đề phòng, nhưng tốc độ tiến hành còn chậm. Chúng tôi hy vọng thông tin trong nghiên cứu này sẽ là động lực để đưa ra hành động nhanh hơn” – Bà Dasgupta nói.
Hồng Anh
Theo Tiền phong