Nước biển dâng cao đang đe dọa các đảo Ấn Độ

Giống như hàng trăm cư dân khác trên đảo Moushuni thuộc bang Tây Bengal, cụ Sheihk Alauddin, 60 tuổi, chưa từng nghe nói cụm từ “trái đất ấm dần lên”. Nhưng cụ đang hứng chịu những tác động của quá trình này. “Ban đêm, chúng tôi chỉ biết cầu trời và hy vọng nước biển không cuốn trôi gia đình mình”, người đàn ông sống trên hòn đảo thưa dân vốn là một phần của vườn quốc gia Sunderbans – rừng đước lớn nhất thế giới – cho biết. Khi thủy triều lên, mực nước biển tràn sát đỉnh con đê cao hơn 6 mét so với nhà cụ Alauddin cạnh đó.

Sau 10 năm nghiên cứu Vịnh Bengal, các nhà hải dương học cho biết mực nước biển ở Sunderban đang dâng lên với tốc độ 3,14 mm mỗi năm so với mức trung bình 2 mm của thế giới, đe dọa xóa sổ các vùng đất trũng của Ấn Độ và Bangladesh. Theo nhà nghiên cứu Sugato Hazra ở Đại học Jadavpur (bang Tây Bengal), ít nhất 15 hòn đảo đang chịu ảnh hưởng của triều cường trong khi tình trạng bờ biển bị xâm thực đang lan đến nhiều đảo khác.

Tháng trước, tiểu ban theo dõi biến đổi khí hậu LHQ đưa ra kết luận rằng các hoạt động của con người gây ra tình trạng ấm nóng của trái đất, và dự báo nhiều đợt hạn hán, nắng nóng và nước biển dâng cao. Nhưng với vườn quốc gia Sunderban – hình thành từ hàng trăm hòn đảo và là nơi cư trú của hổ Bengal cũng như nhiều loài động vật quý hiếm của Ấn Độ, hiểm họa biến đổi khí hậu đang hiện hữu trước mắt. “Mùa màng t

Nhà trên đảo Sagar bị hư hỏng do tình trạng nước biển dâng cao và xâm thực bờ biển. (Ảnh: Gulf-times)

hất bát do lượng mưa ít ỏi nhưng chúng tôi còn biết đi đâu?”, Alauddin vừa nói vừa hướng mắt ra thửa đất khô nứt của gia đình. Hạn hán rồi sau đó mưa nhiều và độ mặn của đất gia tăng khiến vùng đất này không còn trồng được cây lương thực và những người sống bằng nghề nông giờ phải ra khơi kiếm sống. Hiện có ít nhất 4 triệu cư dân sống trên quần đảo rộng 9.630 km2 ngập tràn cây đước này.

Các chuyên gia hàng đầu về khí hậu của LHQ dự đoán trong thế kỷ này, nhiệt độ sẽ tăng thêm 1,8-4oC, và mực nước biển tăng 17,78 – 58,42 cm, có nguy cơ nhấn chìm các hòn đảo. Tác động này thậm chí lớn hơn nếu băng ở Nam Cực và đảo Greenland lớn nhất thế giới tan chảy.

400 hộ gia đình sống trên đảo Moushuni bé nhỏ vẫn chưa biết điều gì đang xảy đến. Cách đó không xa, hai hòn đảo đã chìm xuống đáy biển và 3 thập niên qua, đại dương bao la đã nuốt chửng khoảng 100 km2 rừng đước ở Sunderbans. Thực trạng xói mòn đất do nước biển 5 năm qua cũng đã lấn sâu vào đảo đến 15 m và phá hủy rừng đước trên nhiều đảo.

Hàng thế kỷ qua, rừng đước sống nhờ vào sự kết hợp nước biển và nước ngọt từ các con sông nhưng nay nhiều rừng đước đang hấp hối do nước biển dâng cao khiến nguồn nước nuôi dưỡng rừng đước trở nên “mặn hóa”. Cây cối trên các đảo cũng đổ ngã, khiến tình trạng xói mòn đất trở nên trầm trọng hơn. Kanti Ganguly, một quan chức bang Tây Bengal cho biết chính quyền quyết định bồi bổ, nâng cao đê điều và gia tăng diện tích rừng đước tại Sunderbans để bảo vệ các hòn đảo. Nhưng theo nhà hải dương học Hazra, những biện pháp này có lẽ đã quá trễ…

Vi khuẩn dưới đáy biển có thể hạn chế Trái đất ấm dần lên

Những vi khuẩn sống quanh núi lửa bùn Haakon Mosby dưới đáy biển Barents ở Bắc cực đang góp phần kiềm chế hiện tượng ấm dần lên của Trái đất bằng cách “nhai” khí methane nóng đang rò rỉ từ miệng núi lửa. Nhóm nhà khoa học ở Đức và Pháp phát hiện vi khuẩn tiêu thụ methane mới có dạng archaea đơn bào hiếm khí ôxy mang tên ANME-3 sống bên cạnh 2 loại vi khuẩn khác ở núi lửa có độ sâu 1.250 m dưới biển. Nó chỉ tồn tại ở nơi có thể lấy được chất dinh dưỡng từ biển và methane từ núi lửa. Vi khuẩn này có thể ăn 40% lượng methane – thành phần chính của khí đốt tự nhiên đồng thời là khí gây hiệu ứng nhà kính – được thải ra bởi chúng phát triển nhanh chỉ trong lớp bùn mỏng.

Phát hiện này không chỉ có thể giúp làm sáng tỏ cách thức hoạt động của vi khuẩn tiêu thụ methane mà còn có thể lần ra manh mối làm thế nào biến methane thành những nhiên liệu dễ sử dụng hơn như methanol hoặc butane. Tại California (Mỹ), methane nổi bọt từ đáy biển gần Santa Barbara được giữ lại xử lý để cung cấp năng lượng cho gần 200 căn nhà. Là khí thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, methane gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 21 lần so với khí carbon dioxide (CO2).

T.A (Theo Reuters)

ĐỨC NHÂN

 

Theo Reuters, Báo Cần Thơ