Nuôi dạy con – không thể chạy theo “mốt”

Tôi tin chắc sẽ có không ít bà mẹ cũng sẽ rơi vào tình trạng giống như tôi. Trong thời đại mà việc tiếp cận thông tin quá dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay, các mẹ sẽ có thêm nhiều tài liệu nuôi dạy con để tham khảo hơn. Tuy nhiên những tưởng đây là thuận lợi thì nhiều khi lại khiến bạn hoang mang. Tôi chính là một  trường hợp từng bị rơi vào tình trạng như vậy.
Tôi từng mất “phương hướng” trong việc nuôi dạy con
(Ảnh: Telegraph)
Sau khi sinh con đầu lòng, tôi bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hội, nhóm những bà mẹ trên mạng và từ đó tôi được tiếp cận nhiều hơn với “kho” rộng lớn  về kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc nuôi dạy con. Phải công nhận là có nhiều mẹ rất chịu khó học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi và chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ vậy bản thân tôi đã học hỏi được rất nhiều từ cộng đồng mạng, thậm chí những group online này trở thành nơi chính để tôi cập nhật, chia sẻ và tìm hiểu những kiến thức nhanh nhất, mới nhất về chăm sóc nuôi dạy con. 
Thế nhưng sau hơn 1 năm thường xuyên tham gia các hội, nhóm này, tôi chợt nhận ra rất nhiều điều mà bản thân cần suy ngẫm và chỉnh đốn lại. 
Tâm lý “bầy đàn” 
Lần đầu tiên có con, mọi thứ còn khá bỡ ngỡ, tôi cũng như nhiều bà mẹ trong nhóm thường xuyên online để chia sẻ những điều băn khoăn, vướng mắc (thời kỳ đầu ngày nào tôi cũng  đăng nhập vào Facebook  để hỏi cái này, tâm sự cái kia). Mỗi khi đăng câu hỏi của mình lên mà nhận được câu trả lời đồng cảm hoặc giải đáp từ những mẹ có kinh nghiệm khác thì tôi mừng như bắt được vàng. Và một lần nữa tôi cũng không thể phủ nhận được  sức mạnh tập thể ở các hội nhóm này đã giúp tôi tìm ra câu giải đáp rất hợp lý cho nhiều vấn đề của mình. Thế nhưng đổi lại, tôi dần dần bị cuốn theo những  “dòng chảy” chung lúc nào không hay.
Muốn sắm sửa hay làm gì cho bé, tôi đều lên hỏi cả nhóm và rất nhiều lần quyết định dựa trên ý kiến số đông hoặc theo tâm lý  “nhà đấy mua rồi, nhà mình cũng phải mua theo…” mà đôi khi quên mất nhu cầu chính của con mình. Trên thực tế, tôi đã mua không ít đồ không cần thiết theo tâm lý ấy (tất nhiên phải nhờ đến chồng “cảnh tỉnh” tôi mới nhận ra điều này).
Nhiều đồ đến nay vẫn còn mới nguyên vì Bi không dùng đến
(Ảnh: Squawfox)
Chạy theo “mốt”
Không chỉ chuyện chăm con, tới chuyện dạy dỗ con cũng vậy. Khi bé Bi được gần 1 tháng, tình cờ trong nhóm có 1 chị chia sẻ việc làm flash card  và nói rằng việc cho  xem flash card  sẽ rèn luyện sự tập trung của  con ngay từ lúc lọt lòng  và  ở nước ngoài các bé đều được “học” như thế hết. Trước đó tôi chưa hề có ý niệm gì về việc “dạy học” cho một đứa trẻ còn đỏ hỏn nên khi dọc qua cách chị ấy giải thích và thực hiện tôi đã rất thích thú và hăm hở làm theo. Với tôi  đó là kiến thức thật mới và thật tuyệt vời mà mình cần phải học hỏi và thực hành theo.
Tiếp đó, vài bữa sau lại có một mẹ khác kêu gọi làm chung thẻ chữ cho con, tôi nhiệt tình tham gia ngay không do dự. Tất nhiên không chỉ có mình tôi,  đa số các mẹ khác cũng rất nhiệt tình đăng ký làm chung.
Rồi cứ thế, tôi cứ hăm hở hưởng ứng hết cái này đến cái kia những chia sẻ của những bà mẹ khác mà tôi cho rằng không chỉ giỏi mà còn rất có kinh nghiệm. Tuy nhiên sau một thời gian, càng tìm hiểu, tôi càng “vỡ” ra nhiều điều. Hóa ra những kinh nghiệm của mẹ chia sẻ đều là 1 phần đâu đó trong  tài liệu của các phương  pháp giáo dục  xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu như Shichida, Montessori, Glenn Doman hay Reggio Emilia. 
Khi biết được điều này, tôi mày mò tìm hiểu thêm, song càng đọc tôi càng như bị “ngập” trong cả núi kiến thức và hàng trăm, hàng nghìn trang chia sẻ trên các diễn đàn. Đây là thời điểm tôi cảm thấy hoang mang nhất vì không biết nên theo cái nào và làm như thế nào là đúng cho con mình. Tất cả các phương pháp đều được viết rất tuyệt vời nhưng  tôi cũng lờ mờ hiểu khi áp dụng vào thực tế sẽ vô cùng khác…
Nhiều lần tôi đã trầm trồ ngưỡng mộ khi thấy các mẹ khoe hình con chơi những trò “lạ mắt” ở Việt Nam
(Ảnh: HomeschoolingNetwork)
Không cần là chuyên gia nhưng phải hiểu từ cơ bản 
Sau một thời gian “ngợp” trước quá nhiều luồng kiến thức như thế, tôi cũng dần “định thần” lại. Tôi không dám nói là đã thấu hiểu được triết lý của tất cả các phương  pháp đó song những gì đọng lại sau nhiều ngày tìm hiểu là dù ở phương pháp nào cũng đều coi trọng việc phát triển tự nhiên ở trẻ. Những bài học được thiết kết nhằm khuyến khích trẻ tự do phát triển não bộ và thường coi trọng quá trình hơn là thành tích đạt được. Ngoài ra, 1 số hoạt động  bài học cần có nhiều thời gian và sự kiễn nhẫn của phụ huynh mới có kết quả, nếu bố mẹ không thực sự hiểu hay không đủ kiên nhẫn sẽ không đem lại kết quả tốt.   

Chính vì vậy, rút ra từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ rằng trước khi quyết định áp dụng bất cứ một phương pháp nào mới cho con mình, trước hết phụ huynh cần đọc những kiến thức cơ bản, đi từ gốc đến ngọn (thay vì như chính tôi trước kia, chỉ mải chạy theo những gì mình cho là “hiện đại, tân tiến” mà quên mất việc tự đưa ra câu hỏi, rốt cuộc những việc này giúp ích gì cho con mình và tại sao lại như thế). Trong trường hợp mẹ có quá ít thời gian để tìm hiểu cặn kẽ  thì tốt nhất không nên áp dụng những gì mình chưa hiểu rõ (chính một mẹ cũng từng chia sẻ với tôi về việc dạy mặt chữ cho con sớm theo phương pháp Glenn Doman nhưng không tới nơi tới chốn đã khiến bé không hiệu quả mà còn có tác dụng ngược). Việc áp dụng cho con những thứ cho  hợp “mốt” hay vì người khác làm, mình cũng phải làm mà chưa thực sự tìm hiểu ngọn nguồn, theo tôi sẽ không có kết quả tốt được.  
Khi viết ra điều này, có thể rất nhiều mẹ sẽ không đồng tình nhưng tôi cho rằng người mẹ không cần là chuyên gia giáo dục song rất cần dạy con bằng những bản năng của người mẹ. Mẹ có thể không cần phải tìm hiểu quá nhiều thứ gọi là khoa học song không được quên dành thời gian tìm hiểu sở thích, sở đoản của con (điều này trên thực tế cần mẹ dành nhiều thời gian và đôi khi phải rất chi tiết). 
Việc chạy theo “mốt” trong việc nuôi dạy con tôi nghĩ khó có kết quả tốt khi chính bản thân người mẹ lại chưa định hình được nhu cầu và những điểm khác biệt của con mình. Thay vào đó, mẹ có thể tìm hiểu những hoạt động đơn giản hơn, dễ hiểu hơn và mẹ biết chắc là tốt, là phù hợp cho con mình.
Mỹ Anh
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.