Thất vọng là cảm giác bao trùm với những ai đi trên khu cảng biển Tsim Sha Tsui. “Tôi thực sự không nhìn thấy cái gì cả’’, một du khách chỉ vào làn sương mịt mù. Những gì họ muốn nhìn là những toà nhà chọc trời đi vào trong tấm bưu thiếp về Hong Kong. Nhưng trên thực tế, họ lại chỉ thấy các bóng đen lờ mờ qua làn nước biển.
Hong Kong còn có tên là Hương Cảng (bến cảng thơm ngát) nhưng bây giờ, mùi khí thải bốc ra lại gây khó chịu cho bất kỳ ai hít phải. Một vài doanh nhân đã sẵn sàng rời nơi đây để đến với không khí mát lành tại Singapore.
Michael Short đã sống ở Hong Kong 17 năm và luôn yêu nó. Nhưng vào thập niên 90, mọi thứ bắt đầu thay đổi. “Tôi thường xuyên đi qua bến cảng mỗi ngày và cuối cùng hiểu ra rằng, mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn. Thật là thất vọng khi không thể nhìn thấy bờ bên kia’’.
Ông Short là giám đốc một công ty và 18 tháng trước, ông đã gói ghém chuyển đến Singapore. “Chúng tôi có thể làm việc tại Hong Kong, nhưng không một giám đốc nào lại muốn sống ở đó. Đây là thực tế!’’.
Vấn đề địa phương
Hong Kong (Ảnh: VNN) |
Có hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại Hong Kong. Một là do khí thải các nhà máy ở tiểu vùng sông Châu Giang, thường tạo những màn sương mờ ảo bao trùm bến cảng. Hai là do các nguồn địa phương – khí thải từ xe cộ, các nhà máy điện và từ các phương tiện hàng hải, đường thuỷ.
Christine Loh, phụ trách nhóm chuyên gia cố vấn Civic Exchange, cho rằng, khó có thể đổ lỗi cho nguồn khí thải qua biên giới, mà Chính phủ nên chịu trách nhiệm trong việc phản ứng chậm. “Đến nay, Chính phủ vẫn phủ nhận, nên không hành động gì cả’’, bà nói. Đặc biệt, các nguồn khí thải ô nhiễm xuyên biên giới đều mang “made in Hong Kong” – rất nhiều trong số 70.000 nhà máy ở Châu Giang do doanh nhân Hong Kong làm chủ.
“Ô nhiễm gây ra nhiều căn bệnh mãn tính và làm suy giảm tuổi thọ của con người’’, Anthony Hedley, Giáo sư khoa sức khoẻ cộng đồng Trường Đại học Hong Kong khẳng định. Chủ đề chất lượng không khí của Hong Kong đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay. Chính quyền cũng đặt ra không ít mục tiêu nhằm cải thiện chất lượng không khí nhưng vẫn chưa thực hiện được.
“Dường như họ muốn trì hoãn vì quan ngại sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của Hong Kong’’, Bill Barron, một nhà kinh tế học môi trường tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong nhận xét.
“Bạn thức dậy vào buổi sáng và chính quyền thì tuyên bố rằng, hôm nay, ô nhiễm sẽ ở mức cao. Bạn phải quen với điều này’’, bà Connell nói. Cơ quan bảo vệ môi trường Hong Kong đã tiến hành một số biện pháp như thắt chặt quy định môi trường với xe cộ lưu thông, giới thiệu nhiên liệu sạch và kiểm soát động cơ thải khói… Phần nào đó, cảnh sát đã khá thành công, lượng khí thải gây ô nhiễm từ các xe cộ lưu thông đã giảm đáng kể từ năm 1997. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm trên các đường phố vẫn cao. Hong Kong là nơi hơn một nửa dân số sống gần các trục giao thông.
Một phần của vấn đề còn do sự tập trung quá lớn người và xe ở Hong Kong, nơi những con đường xe cộ đông nghịt, các toà nhà chọc trời dày đặc khiến khí ô nhiễm khó phân tán.
Trong một văn bản, cơ quan bảo vệ môi trường (EPD) đã nhận thức rõ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới đời sống kinh tế xã hội: “Ngăn chặn ô nhiễm môi trường không chỉ có ý nghĩa sống còn với sức khoẻ cộng đồng và chất lượng cuộc sống, mà còn tác động sâu rộng tới quá trình phát triển lâu dài của Hong Kong’’.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường đều cho rằng, cơ quan lập pháp Hong Kong quá thiên về kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. Một trong những khu vực ‘’chức năng bầu cử’’ (các vị trí trong hội đồng lập pháp đại diện cho những nhóm lợi ích đặc biệt) được lựa chọn từ lĩnh vực giao thông. ‘’Hai công ty xe lửa thì được chọn một, rất nhiều ông chủ hãng taxi và xe bus mini cũng được bầu cử. Không có căn cứ nào để quy định có bao nhiêu công ty được tham gia’’, Bill Barron giải thích.
Miriam Lau, đại diện cho các cử tri khu vực giao thông thì nhấn mạnh, kinh doanh có nghĩa là hợp tác: “Các nhà hoạt động môi trường muốn thay đổi mọi thứ trong nháy mắt. Nhưng đây là xã hội kinh doanh. Nếu các công ty đã đầu tư, họ không thể đơn giản ném đi mọi thứ. Thời gian là điều cần thiết cho sự thay đổi’’.
Bà Lau chỉ ra rằng, chính dân chúng còn hăm hở lựa chọn các đại biểu ở lĩnh vực giao thông hơn mọi nhà vận động hành lang khác.
Đã có dấu hiệu tích cực về hợp tác xuyên biên giới bảo vệ môi trường giữa Hong Kong và Quảng Đông. Một đội kỹ thuật giám sát chất lượng không khí được thành lập và chính quyền hai bên đã cam kết làm giảm bớt lượng khí thải gây ô nhiễm không khí vào năm 2010.
Phòng Thương mại Hong Kong và Hội đồng Kinh doanh về môi trường đã thành lập đội tình nguyện chuyên giám sát đảm bảo các yêu cầu ‘’xanh’’ trong kinh doanh. Cũng còn nhiều kế hoạch dự kiến nhằm giảm bớt khí thải từ các nhà máy điện và xe cộ lưu thông.
Michael Short nói rằng, ông sẽ trở lại Hong Kong nếu bầu trời trở lại màu xanh vốn có.
Kỳ Thư
Theo BBC, VietNamNet