“Đá trời” được gọi là thiên thạch khi chúng bay trong vũ trụ, nhưng khi chúng lao vào bầu khí quyển trái đất, người ta gọi chúng là sao băng.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) định nghĩa thiên thạch (asteroid) là những khối đá trong vũ trụ có kích thước nhỏ hơn hành tinh (đôi khi người ta gọi chúng là tiểu hành tinh). Một số người gọi chúng là “rác vũ trụ” hay những mảnh còn sót lại trong quá trình hình thành của hệ mặt trời, Space cho biết.
Hàng triệu tiểu hành tinh đang bay quanh mặt trời, trong đó khoảng 750.000 viên “cư ngụ” trong vành đai thiên thạch ở giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc. Chiều rộng của thiên thạch có thể lên tới hàng trăm km. Ceres, thiên thạch được mệnh danh là một hành tinh lùn, có chiều rộng tới 940km.
Hình minh họa một thiên thạch trong vũ trụ. (Ảnh: blogspot.com)
Thiên thạch không có bầu khí quyển, nhưng nhiều viên có kích thước đủ lớn để tạo ra lực hút. Trên thực tế, một số thiên thạch “sở hữu” một hoặc hai vệ tinh. Đôi khi hai thiên thạch có kích thước tương đương xoay quanh nhau và tạo nên hệ thiên thạch kép.
Giới khoa học rất quan tâm tới tiểu hành tinh bởi chúng có thể cung cấp rất nhiều thông tin về quá trình hình thành của Thái Dương Hệ từ khoảng 4,6 tỷ năm trước. Một trong những cách để nghiên cứu tiểu hành tinh là quan sát chúng khi chúng bay tới gần địa cầu.
Sao băng (meteor) là thiên thạch hoặc vật thể bốc cháy khi tiếp xúc bầu khí quyển của trái đất. Người ta cũng thường gọi sao băng là sao sa. Nếu thiên thạch không cháy hết, chúng rơi xuống mặt đất và được gọi là “meteorite”.
Người ta phân chúng thành hai loại: thiên thạch sắt và thiên thạch đá. Sắt chiếm từ 90% hàm lượng của thiên thạch sắt, còn thiên thạch đá được tạo nên bởi khí oxy, sắt, silicon, magie và nhiều nguyên tố khác.
Meteoroid là thuật ngữ tiếng Anh dành cho những sao chổi (comet) hoặc thiên thạch xoay quanh mặt trời. Trên thực tế, giới khoa học chưa đạt được sự đồng thuận về một định nghĩa chung để phân biệt meteoroid với thiên thạch. Họ giải thích một cách đơn giản rằng: Meteoroid nhỏ hơn thiên thạch.
Meteoroid và thiên thạch chỉ được gọi là sao băng khi chúng lao vào bầu khí quyển trái đất. Chúng có thể nổ, cháy trong không khí, tạo nên những khối cầu lửa.
Sao chổi là những thiên thể được tạo nên chủ yếu bởi băng. Chúng chứa khí carbon dioxide, metan, nước đóng băng, bụi và các khoáng chất.
Theo VNE