Luôn có sự “phân công” tự nhiên nghiêng hẳn về một phần cơ thể. Chẳng hạn, tay chân thuận dùng nhiều hơn bên kia, bàn tay nhiều việc hơn phần còn lại của cánh tay…
Trong thời đại bệnh truyền nhiễm cũ mới “lớp sau xô lớp trước”, cơ thể, cụ thể là tứ chi, là đường lây nhiễm có hạng. Ngoài các biện pháp phòng tránh truyền thống, tiên quyết là rửa tay, việc phân công lại cơ thể cũng có thể góp phần không nhỏ.
Giao những việc có nguy cơ nhiễm bẩn cho tay trái như mở cửa nhà vệ sinh, gạt cần xả nước, dùng giấy vệ sinh, mở rộng như cầm tiền, bắt tay, cầm nắm vật dụng nơi công cộng… Rảnh tay cánh tả, tay phải chỉ dành cho những việc cần “vô trùng” như chế biến thực phẩm, bóc thức ăn, nựng nịu hay cho trẻ con ăn, hoặc sát sườn như ngoáy mũi, dụi mắt, xỉa răng…
Việc có thể dùng chân không phiền đến tay, chẳng hạn đẩy cửa nhà vệ sinh, mở nắp thùng rác (có cần đẩy)… Với từng “phân khúc” vẫn có thể được phân công lại, chẳng hạn cùi chỏ, đầu gối, thậm chí mông, sẽ gánh vác việc giản đơn thay bàn tay.
Chân vốn được tự nhiên miễn giảm những việc khéo léo, nhưng nếu muốn vẫn có thể khuyến khích chúng đỡ đần như chân này giúp chân kia mang giày, đi vớ…
Chuyên trách hơn, từng ngón tay trong bàn tay vẫn có thể chịu sự điều động mới. Đơn cử, chuyển công tác chỉ, trỏ, cọ, quẹt, xưa nay mặc nhiên thuộc chuyên môn ngón trỏ, sang ngón út hay áp út (tham gia hạn chế vào động tác cầm nắm). Tương tự với biên chế ngón cái với việc bấm phím điện thoại…
Có vẻ nhiêu khê và ban đầu tất sinh lọng cọng, thậm chí đảo lộn một số thói quen sinh hoạt, nhưng khi đã hiểu căn cơ thì hẳn bạn sẽ đủ quyết tâm sắp xếp lại bộ máy vì lợi ích sức khỏe dài lâu.