Nghiên cứu mới chỉ ra, những biểu hiện cơ bản về cảm xúc trên khuôn mặt của mỗi con người.
Con người là những sinh vật có khả năng thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt nhiều nhất. Nghiên cứu trước đây của tiến sĩ Paul Ekman đã chỉ ra, mỗi người chúng ta đều có thể biểu hiện 6 cảm xúc cơ bản trên khuôn mặt, đó là: vui, buồn, sợ hãi, tức giận, ngạc nhiên và ghê tởm.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH Glasgow (Scotland) đã thách thức quan điểm này, khi chỉ ra rằng, những biểu hiện trên khuôn mặt chúng ta chỉ dừng lại ở con số 4. Đó là: vui – buồn – sợ hãi (bao hàm cả ngạc nhiên) – tức giận (bao hàm cả sự ghê tởm).
Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm, xem xét thời gian mỗi cơ được kích hoạt trên khuôn mặt một người khi biểu hiện cảm xúc khác nhau.
Theo đó, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, trong số các biểu hiện trên khuôn mặt, hạnh phúc và nỗi buồn là được thể hiện rõ ràng, khác biệt nhất. Bên cạnh đó, sự sợ hãi, ngạc nhiên đều có tín hiệu chung – đôi mắt mở to. Tương tự như vậy, sự ghê tởm và tức giận đều có biểu hiện phần mũi nhăn nheo – tín hiệu đầu tiên cho thấy nhiều sự nguy hiểm cơ bản sắp diễn ra.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Rachael Jack cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra, không phải tất cả các cơ trên khuôn mặt đều xuất hiện đồng thời trong nét mặt, thay vào đó, nó phát triển theo từng mức độ, phụ thuộc vào thông tin người đó tiếp nhận”.
Chưa dừng lại ở đó, giáo sư Philippe Schyns, tiến sĩ Oliver Garrod và tiến sĩ Hui Yu thuộc ĐH Glasgow sử dụng máy ảnh để chụp những bức hình 3D một khuôn mặt đặc biệt, có khả năng kích hoạt 42 cơ độc lập. Từ đây, máy tính sẽ dựa vào các mô hình 3D này xây dựng, bắt chước các biểu hiện khuôn mặt. Theo đó, tín hiệu của sự sợ hãi/ngạc nhiên và tức giận11:14:42/căm phẫn được thể hiện rõ ràng nhất.
Với những phát hiện này, các nhà khoa học dự định phát triển nghiên cứu bằng cách nhìn vào nét mặt của mỗi người ở nền văn hóa khác nhau để xác định, giải thích chính xác những cảm xúc được thể hiện.
Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Current Biology.