Công trình xây dựng nguy nga, tráng lệ nhất được dựng lên để thể hiện uy quyền và sự đường bệ của người Inca là pháo đài Cuzco. Những ai đã nhìn thấy đều tưởng tượng và thậm chí tin tưởng rằng, pháo đài này xây dựng bởi lực lượng thần bí, do ma quỷ tạo tác, chứ không phải của con người.
Trong số các công trình của Nam Mỹ thời Colombus chưa tìm ra châu Mỹ, ấn tượng nhất là Sacsawaman, ngôi đền – pháo đài toạ lạc trên một đỉnh đồi nhìn xuống Cuzco, thủ đô Inca trước đây, ở miền Nam dãy Andes (Peru). Những người châu Âu đầu tiên nhìn thấy Sacsawaman năm 1533 đều so sánh với các công trình ở Tây Ban Nha, nơi “không có chiếc cầu nào của Segovia hay các công trình khác của Hercules hoặc người La Mã có được vẻ tráng lệ của công trình này”. Thậm chí họ còn cho rằng Sacsawaman phải được liệt vào “bảy kỳ quan thế giới”.
Đặc điểm nổi bật nhất của Sacsawaman ngày nay là ba bức tường chắn đất đồ sộ chống một bên đồi có công trình xây dựng phía trên. Tường dài 400 m, thêm vào khoảng 50 góc hình chữ chi. Bức tường thấp nhất xây bằng đá cự thạch, các tảng đá được lắp khít, hoàn hảo đến mức người Tây Ban Nha phải thốt lên kinh ngạc: “Không người nào khi chiêm ngưỡng công trình có thể nói rằng công trình này do bàn tay con người xây dựng. Các tảng đá khổng lồ như các tảng núi hay vách đá cheo leo…” Người ta ước tính rằng, có những tảng đá nặng đến 128 tấn, một số đá cự thạch cao đến 5 m và chiều rộng cũng chừng ấy.
Đối với người Tây Ban Nha, các bức tường trông giống như tường thành của một pháo đài, điều mà giới tác gia hiện đại thường gọi Sacsawaman. Thế nhưng không hề có chứng cứ rằng, những bức tường này trước đây là pháo đài, ngoại trừ trong cuộc bao vây Cuzco năm 1526. Lúc ấy người Inca đứng lên chống lại người Tây Ban Nha xâm lược. Một nhà sử học gọi đây là “ngôi nhà Thần Mặt Trời”, cho rằng Sacsawaman đóng vai trò tín ngưỡng trong việc thờ phụng mặt trời của người Inca. Mục đích quân sự chỉ mang tính biểu tượng. Quảng trường rộng lớn hay nơi dạo mát nằm giữa thành luỹ và vết đá lộ to lớn, được chạm trổ đối diện, còn gọi là Rodadero, có thể là nơi diễn ra các trận đánh lễ nghi giống như các trận đánh mà giới biên niên sử cho rằng, từng diễn ra trong quảng trường thành phố bên dưới. Ngày nay, quảng trường này dùng làm sân khấu để tái tạo quang cảnh lễ hội Đông chí của người Inca, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.
Sacsawaman còn mang chức năng của một nhà kho khổng lồ. Hàng hoá chứa trong các công trình xây dựng nhỏ, hình vuông gọi là qolqas nhìn xuống Cuzco. Nhà kho cũng chứa “vũ khí, dùi cui, thương giáo, cung tên, rìu, áo giáp bằng chăn bông cùng nhiều loại vũ khí khác. Cũng có trang phục cho binh lính… có nhiều vải, thiếc, chì cùng các kim loại khác, nhiều bạc và vàng”.
Trên đỉnh đền – pháo đài là hai tháp canh, một hình tròn, một hình chữ nhật. Phần nền móng được phát hiện vào những năm 1930 (Theo Garcilaso, còn có một tháp canh nữa, nhưng hiện nay phần nền móng của tháp này khó phân biệt). Bên kia đồi Rodadero là một khu vực gọi là Suchuna, với nhiều cống dẫn nước, bể chứa, đường hầm, dải đất tạo bậc thang, sân, cầu thang và dinh thự, một hồ chứa lớn từng cung cấp nước cho thành phố.
-
1
Di chuyển đá
Điều khiến người Tây Ban Nha thất bại trong thế kỷ 16 và vẫn còn bí ẩn đối với giới học giả hiện đại là “người xưa chuyển đá đến hiện trường bằng cách nào vì họ không hề có bò và cũng không thể làm xe bò, cũng như việc không đủ bò để kéo”. Một số nhân chứng ban đầu cho rằng đây là kỳ công của ma quỷ.
Câu trả lời thật đơn giản: Người Inca sử dụng nhiều nhóm thợ có trình độ tổ chức cao và dùng dây thừng kéo đá. Theo lời các nhà biên niên sử, “họ dùng sức người để nhấc đá tảng với sự hỗ trợ của các dây thừng dày. Con đường vận chuyển đá không bằng phẳng, mà phải qua các triền núi gập ghềnh, lởm chởm, dốc đứng, hoàn toàn chỉ kéo bằng sức người”. Thật ra, người Tây Ban Nha đã chứng kiến lao động Peru bản xứ di chuyển các tảng đá lớn trong thời gian xây dựng giáo đường Cuzco, sử dụng “nhiều sức người và các dây thừng to cỡ bắp chân”. Cũng như nhiều công nghệ khác của người Inca, khai thác, vận chuyển và lắp đặt đá đều dựa vào kỹ năng, sức mạnh và óc tổ chức tuyệt vời của con người, chứ không nhờ vào một công cụ đặc biệt.
Một số người cho rằng, vua Pachakuti của Inca vào thế kỷ 15 chính là kiến trúc sư xây dựng Cuzco đồ sộ, và cũng là nhà kiến tạo Sacsawaman. “Ông [Pachakuti] lệnh cho các tỉnh thành phải huy động hai chục nghìn người. Bốn nghìn người trong số này khai thác và đẽo gọt đá, sáu nghìn người kéo đá bằng các dây da và gai dầu lớn, số khác đào rãnh và xây nền, cưa cột và rầm cho các công trình gỗ”. Những tư liệu khác cũng cho biết, việc xây dựng Sacsawaman phải mất đến 50 năm. Có thể thời kỳ Tây Ban Nha xâm lược, công trình vẫn đang xây dang dở.
-
2
Vừa khít theo kiểu Inca
Những người thợ xây Inca đã đặt các tảng đá vào đúng vị trí và xây thật khít bằng cách nào? Giả thuyết đáng tin cậy nhất là dựa vào biên niên sử, khảo cổ học và công trình nghiên cứu về công nghệ xây dựng đá của người Inca.
Như giáo sư khảo cổ học Jean – Piere Protzen chẳng hạn, đã chứng minh thật thuyết phục rằng những người thợ xây Inca sử dụng đá làm búa để tạo dáng đá. Ông cho rằng thợ xây đã tạo dáng tảng đá nhiều lần cho đến khi chúng có hình dạng vừa ý. Họ cũng xây dựng các đường đất đắp cao để đưa đá vào đúng vị trí. Tuy nhiên, Protzen thừa nhận, phương pháp này, trong khi thích hợp đối với các tảng đá nhỏ, thì tỏ ra không thể phù hợp đối với số tảng đá khổng lồ ở Sacsawaman.
Kiến trúc sư Vincent Lee đưa ra cách giải thích khác. Xét sự phối hợp để hạ thấp các tảng đá ở Sacsawaman vào đúng vị trí, các vết khía và vết lồi kỳ lạ tìm thấy ở phần chân một số tảng, Lee nghĩ đến một giả thuyết dựa theo phương pháp những người thợ xây các căn nhà gỗ truyền thống, thường khía thân cây theo hình chữ V như một loại com-pa của người phác hoạ. Ông cho rằng, người Inca áp dụng một phương pháp gọi là vạch dấu, mô phỏng. Người Inca vạch dấu hay dùng com-pa làm bằng sợi dây, gỗ và một quả dọi bằng da. Điều này giúp chững người thợ xây chuyển hình dạng đã khắc trước trên một tảng đá phía trên thành đá đã nằm đúng vị trí phía dưới bằng cách di chuyển đầu phía trên của cây que dọc theo bề mặt đã khía trước của tảng đá phía trên. Với quả dọi quay quanh trong lỗ, đầu phía dưới của cây que mô phỏng chính xác mặt cắt nghiêng của tảng đá phía trên. Vị trí dự định dành cho tảng đá sau đó được đầm chặt bằng búa đá.
Thế nhưng trước khi thực hiện công đoạn này, phải vận chuyển tất cả những tảng đá đến hiện trường và đến tấm móng phía trên vách tường cao nhất đang thi công. Lee cho rằng, đá được vận chuyển bằng cách san phẳng một phần sườn đồi phía sau và phía trên bức tường giữ đất, cũng như một khu vực làm giàn giáo. Sau đó, người ta lấp đất lại phía sau bức tường khi chiều cao đã tăng thêm. Những người thợ xây Inca kéo đá lên các đường dốc đến khu vực làm giàn giáo.
Khi đá đẽo gọt phù hợp, Lee mặc nhiên công nhận, các tảng cự thạch có thể đã hạ thấp xuống đúng vị trí bằng cách sử dụng nhiều khối gỗ chèn phía dưới tảng đá. Muốn dời các súc gỗ đỡ từ những vết khía khắc ở phần phía dưới của tảng đá, những người thợ xây bịt đầu tảng từ cạnh này sang cạnh kia, di chuyển đến súc gỗ phía dưới tảng đá. Việc dời liên tiếp để lấy các súc gỗ còn lại ra giúp hạ thấp tảng đá vào đúng vị trí. Nhưng các nhà viết sử biên niên không mô tả một công cụ giống com-pa như thế. Còn giới khảo cổ không phát hiện ra công cụ nào tương tự, nên Lee kết luận, giả thuyết của ông hoàn toàn không phù hợp. Cả Protzen và Lee đều thừa nhận các cách giải thích đều có thể đúng với thực tế.
-
3
Nguồn đá
Các tảng đá cuội lớn để xây dựng thành luỹ hình chữ chi ở Sacsawaman đều là đá vôi, khai thác ở ngay địa điểm xây dựng và từ nhiều mỏ đá rải rác ở vùng đồi xung quanh. Các tảng đá khác như đá Andesite nhỏ hơn dùng để xây dựng tháp canh ở Sacsawaman và khu Suchuna kế cận, khai thác từ Rumiqolqa, một mỏ đá cách Cuzco 35 km (22 dặm) về phía Đông Nam. Sau năm 1540, những người Tây Ban Nha định cư ở Cuzco xem chính bản thân Sacsawaman là một mỏ đá thuận tiện, và chỉ có kích thước đáng kể của các tảng cự thạch mới cứu thành luỹ khỏi sự tháo dỡ hoàn toàn. Garcilaso than vãn: “Phải cứu lấy chúng vì những người da đỏ đã tạo tác trên đá bằng tiền của, nỗ lực và kiên trì”. Người Tây Ban Nha đã lấy đi các tảng đá nhỏ hơn để xây dựng dinh thự và nhà thờ của họ trong thành phố phía dưới. “Bằng cách này, vẻ đường bệ của pháo đài sẽ bị chôn vùi vào quên lãng, một công trình đồ sộ đáng giá lại đang bị thay bằng một sự phá hoại như thế, kết quả sẽ là sự tiếc nuối khôn nguôi đối với những ai từng có dịp chiêm ngưỡng”.