Trong quá trình nghiên cứu miệng núi lửa Cerro Galan trên dãy núi Andes tại Argentina, các nhà khoa học đã phát hiện sự sống kỳ diệu tại đây.
Miệng núi lửa Cerro Galan trên dãy Andes tại Argentina |
Tại một trong những miệng núi lửa đã tắt ở độ cao 4.600 m, có một loài vi sinh vật chưa từng được các nhà sinh vật học biết đến. Cùng sống trong môi trường khắc nghiệt trên độ cao đó còn có một loài hồng hạc dùng chính loài vi sinh vật này làm thức ăn.
Phát hiện này khiến giới khoa học rất ngạc nhiên. Môi trường sống của các sinh vật này là một miệng núi lửa chứa đầy asen, một trong những chất độc nhất đối với bất kỳ cơ thể sống nào.
Nồng độ asen vượt mức trung bình cho phép tới 20 lần. Độ pH trong miệng núi lửa lên đến 11 (mức trung bình là 7). Thêm vào đó, áp suất không khí trên độ cao 4.500 m rất thấp, các tia phóng xạ và tia cực tím cũng nhiều gấp 1,5 lần so với mức trung bình trên hành tinh của chúng ta.
Trong điều kiện môi trường khắc nghiệt như vậy mà vẫn có một loài vi sinh vật, đặc biệt là có một loài chim hồng hạc sinh sống là một điều kỳ diệu và đặt ra nhiều câu hỏi đối với khoa học.
Các nhà khoa học đang giải mã ADN của loài sinh vật này. Những kết quả phân tích sẽ hé lộ bí mật về khả năng sống sót của loài sinh vật lạ trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học hi vọng sẽ sản xuất ra các tiêu bản có khả năng chống tia cực tím.
Nguồn: Kp.ru
Theo KH & ĐS