Phát hiện 6 loài rết rồng ở Trung Quốc

Các nhà khoa học đến từ Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc, Viện Khoa học Nga và Bảo tàng Nghiên cứu động vật học Alexander Koenig (Đức) vừa phát hiện ra 6 loài rết rồng mới trong một hang động rất sâu ở Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc). Những phát hiện này được công bố trên tạp chí khoa học ZooKeys.

Theo các nghiên cứu, rết rồng thuộc một chi của động vật nhiều chân Desmoxytes – vốn cực kỳ phát triển ở vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar và các khu vực thuộc Đồng bằng sông Mêkông. Loài này có nhiều chân, hình dáng giống như xương cá với những chiếc gai nhô ra và đặc biệt ưa thích bóng tối.


Một loài rết rồng vừa được phát hiện tại Trung Quốc. (Ảnh: Pensoft).

“Loài rết rồng có vẻ ngoài giống một con rồng như trong chuyện thần thoại của nhiều nước Á Đông. Chúng được trang bị loại chất độc chết người hydrogen cyanide để xua đuổi kẻ thù và tự vệ” – các nhà khoa học cho biết.

Do môi trường sống tự nhiên của rết rồng là các hang động thiếu ánh sáng nên chúng có rất ít sắc tố da. Rết rồng thường có màu trắng đục hoặc trong trạng thái gần như trong suốt. Chân và râu của chúng dài bất thường nên các nhà khoa học đã đặt chúng vào nhóm loài mới, hoàn toàn riêng biệt với các loài động vật nhiều chân khác. Trong số 6 loài mới được phát hiện, có bốn loài chỉ sống trong các hang động.

Khám phá này được coi là bổ sung cho phát hiện năm 2007 về một loài sinh vật mới thuộc động vật nhiều chân Desmoxytes. Đây là phát hiện từng gây chấn động bởi chúng có bề ngoài giống loài rồng trong truyện dân gian và đặc biệt là sở hữu da màu hồng.

Qua phát hiện này, giới nghiên cứu khẳng định các hang động ở Quảng Đông và Quảng Tây còn là nơi trú ẩn của rất nhiều loài động vật khác chưa được con người phát hiện.

 

Theo khoahocphattrien