Phát hiện cao nguyên đen trên sao Diêm Vương

Phát hiện cao nguyên đen trên sao Diêm Vương

Qua hình ảnh phóng to chụp từ tàu vũ trụ New Horizons của NASA, các nhà khoa học nhận thấy phía đông nam vùng đồng bằng lớn của sao Diêm Vương tiếp giáp với vùng cao nguyên đen được ngăn cách bởi địa hình gồ ghề, lởm chởm.

Vùng cao nguyên được chính thức đặt tên là Krun Macula (“Krun” đặt theo tên chúa tể thế giới ngầm thuộc tôn giáo cổ Mandaean; “Macula” nghĩa là vệt đen trên bề mặt sao Diêm Vương vốn có màu đỏ sẫm, do sự phân bố của các phân tử hydrocarbon gọi là tholins trên bề mặt).

Phát hiện cao nguyên đen trên sao Diêm Vương
Ảnh chụp từ tàu vũ trụ New Horizons.

Krun Macula cao hơn 2,5km so với đồng bằng lớn có tên Sputnik Planum và không liền mạch do hình thành theo cụm, tạo thành các hố khổng lồ với đường kính từ 8 – 13km, độ sâu lên đến 2,5km.

Cao nguyên đen và đồng bằng được ngăn cách bởi các hố dày đặc tạo thành khe dài hơn 40km, rộng 12,5km và sâu gần 3km – gần gấp đôi hẻm Grand Canyon ở Arizona – và được phủ bằng tầng băng nitơ. Các nhà khoa học nhận định những hố sâu có thể hình thành qua sự sụp đổ bề mặt, tuy nhiên lại không lý giải được nguyên nhân của sự sụp đổ.

Hình ảnh này thu được thông qua ba lần quan sát riêng biệt từ New Horizons trong tháng 7/2015.

Nửa bên phải của hình ảnh chụp từ khoảng cách 15.850km, trong khi nửa ảnh bên trái chụp cách sao Diêm Vương 24.900km bởi thiết bị kính viễn vọng Long Range Reconnaissance Imager (LORRI). Dữ liệu màu chụp ở độ cao 33.900km thông qua máy ảnh đa phổ Ralph/Multispectral Visible Imaging Camera (MVIC).

 

Theo tienphong