Ngày 16/7, Tạp chí Vật lý Thiên văn (Astrophysical Journal Letters) đưa tin một nhóm nhà thiên văn học đã phát hiện ra một trong những dải ngân hà sáng nhất và xa hàng nghìn năm ánh sáng so với các thiên hà khác.
Để phát hiện dải ngân hà này, các nhà thiên văn học đã nghiên cứu một bức ảnh phóng đại thu được từ kính viễn vọng Gran Telescopio CANARIAS trên đảo La Palma ở Canaries của Tây Ban Nha, kết hợp với dữ liệu từ vệ tinh WISE của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và vệ tinh Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Dải ngân hà này nằm ở vị trí trung tâm hình cung trên một dải tập hợp nhiều ngôi sao. (Ảnh minh họa).
Đứng đầu nhóm nghiên cứu Anastasio Daz Sanchez cho biết dải ngân hà được phát hiện có kích cỡ lớn và sáng hơn 11 lần so với thực tế. Các hình ảnh thu thập được cho thấy dải ngân hà này nằm ở vị trí trung tâm hình cung trên một dải tập hợp nhiều ngôi sao, được biết với cái tên “vòng cung Einstein”.
Theo Thuyết tương đối rộng (General Relativity) của nhà bác học Albert Einstein, sự lệch của tia sáng do trường hấp dẫn làm xuất hiện hiệu ứng thấu kính hấp dẫn, trong đó nhiều hình ảnh của cùng một thiên hà hiện lên qua ảnh chụp.
Trên cơ sở thuyết tương đối rộng của Einstein, các nhà thiên văn học thuộc Đại học Bách khoa Cartagena (UPT) và Viện Nghiên cứu Astrofisica de Canarias (IAC) của Tây Ban Nha đã phát hiện ra dải ngân hà xa xôi này, nằm cách Trái Đất khoảng 10.000 triệu năm ánh sáng.
Theo nhà nghiên cứu Susana Iglesias-Groth – đồng chủ trì nghiên cứu trên, thời gian tới các nhà thiên văn học sẽ nghiên cứu cấu tạo của dải ngân hà này.
Theo TTXVN/Vietnam+